Đến xứ sở Sâm cùng vị Dược sĩ tìm ra cây Nhân sâm Việt Nam

1. Dấu tích của tài liệu bí mật thời chiến

Từ khi những kết quả nghiên cứu về tác dụng kỳ diệu của Sâm Ngọc Linh được công bố rộng rãi, Sâm Ngọc Linh đã trở thành mặt hàng khan hiếm, có khi sẵn tiền cũng không thể mua được. Sâm Ngọc Linh đã được tôn vinh như một loại thần dược, do có những tác dụng đặc biệt, mà ngay cả nhân sâm Triều Tiên, loại sâm xưa nay được coi là tốt nhất thế giới, cũng không có được. Và chung quanh cây Sâm Ngọc Linh, cũng có rất nhiều điều ly kỳ, chẳng kém gì chuyện đi tìm trầm, v.v… Do đó, được tới “vương quốc sâm”, cùng với Ds. Đào Kim Long, người đầu tiên phát hiện cây nhân sâm ở Ngọc Linh, đối với tôi thật sự là một may mắn lớn.

Ngay chiều hôm vừa mới hạ cánh xuống Đà Nẵng, Ds. Đào Kim Long đã gọi điện, báo cho Ds. Trần Lai biết là sẽ ghé thăm. Ds. Trần Lai là một nhân vật rất đặc biệt: Trong những năm chống Mỹ cứu nước, ông là ủy viên trong Ban dân y miền Trung Trung Bộ (tức Liên khu V, gọi tắt là K5), là người trực tiếp chỉ đạo Tổ dược liệu của ông Long và cũng là người đầu tiên nhận được những tài liệu báo cáo về việc phát hiện Sâm Ngọc Linh. Ông Long ngoài 70, còn ông Lai đã ngoài 80. Ơn trời, cả hai vẫn mạnh khỏe và đều rất minh mẫn.

Nghe tiếng ông Long gọi ngoài cửa, ông Lai liền bước ra trong … chiếc quần đùi! Khi thấy có người lạ, cả phụ nữ, liền xin lỗi, quay vào chỉnh đốn y phục rồi mới ra đón mọi người vào. Tình bạn giữa hai ông, có thể thấy là rất thắm thiết. Mà cũng nhờ sự thân thiết đó, nên chúng tôi đã rất gặp may: Ông Lai đã cho xem một kỷ vật quý và bản báo cáo về kết quả phát hiện cây sâm. Trong thời chiến tranh, đó là những thứ thuộc loại tối mật. Suốt 40 năm qua, những thứ đó vẫn được ông bí mật cất giữ.

… Sau khi mời mọi người uống nước, ông Lai vào phòng trong và mang ra túi tài liệu. Giữa các tài liệu, có một túi ni-lông nho nhỏ. Nhìn qua lớp ni-lông mỏng, thấy rõ một tấm thiếp viết tay, kích thước cỡ một bao thuốc lá. Trên “danh thiếp tự tạo” đó có dòng chữ viết bằng mực tím của học sinh: “Kính tặng anh Tr.Lai”. Trong túi nhỏ này còn có 2 củ sâm, cỡ ngón tay út. Đó là danh thiếp và mẫu sâm mà Tổ dược liệu đã gửi tặng. Ông nói, đó là những “củ sâm lịch sử”, rất quý, được chuyển theo đường dây bí mật từ trên núi xuống ngay khi mới phát hiện được sâm, nên bao năm qua dù nhiều khi đau yếu cũng không đem uống. Nét chữ trên tờ danh thiếp vẫn còn tươi, ngửi mẫu sâm vẫn nhận thấy hương vị đặc thù, chứng tỏ ông đã bảo quản rất cẩn thận những thứ đó suốt những năm qua.

Hai củ nhân sâm Ngọc Linh tặng Ds. Trần Lai cách đây hơn 40 năm.

Cũng qua câu chuyện của ông Lai, mới nhận thấy rõ, việc phát hiện ra cây nhân sâm không phải tình cờ, không phải là gặp may trên đường hành quân. Đó là một quá trình vô cùng gian nan và vất vả, thậm chí phải đổi bằng sinh mạng. Và để phát hiện ra cây sâm, cần hội đủ rất nhiều yếu tố; trong đó việc định hướng và khoanh vùng tìm kiếm, có một vai trò mang tính quyết định.

Để tiện theo dõi, xin nhắc lại vài tư liệu liên quan: Trước khi phát hiện ra cây Sâm Ngọc Linh, các nhà thực vật học ở Việt Nam chỉ ghi nhận chính thức có hai loài thuộc chi Panax. Thứ nhất là Panax pseudoginseng Wall. tức “tam thất”, vừa mọc hoang dại, vừa được trồng ở một số tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam; thứ hai là Panax bipinnatifidus Seem. tức “nhân sâm đốt trúc” phát hiện được ở vùng gần Sapa (Lào Cai). Ngoài ra, trong bộ sách về thực vật của mình, tác giả Phạm Hoàng Hộ đã mô tả rất ngắn và sơ lược một loài, mà tác giả thu thập được ở vùng cao nguyên Lang Bian (Lâm Đồng) – được xác định là Panax Schinseng var. japonicum Mak. Nhưng mẫu vật đã bị mất và không tìm được mẫu vật khác.

Ông Lai cho biết, trước khi ông Long vào, Ban dân y cũng đã tiến hành những điều tra dược liệu, để có thuốc tại chỗ, phục vụ chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe cho quân dân. Để tìm thuốc bổ (nhân sâm), dựa vào các liệu về thực vật làm thuốc của GS. Phạm Hoàng Hộ (đã nhắc tới ở trên), Ks. Nguyễn Đức Minh và Ds. Huỳnh Trượng, những người đảm nhiệm công tác dược liệu của Ban dân y, đã đề nghị cho tiến hành điều tra, tìm thuốc quý ở Lang Bian. Nhưng thật đáng tiếc, hai ông đã bị hy sinh giữa năm 1969, mà thuốc quý thì không tìm thấy.

Cuối năm 1970, Ds. Đào Kim Long, nguyên là giảng viên Bộ môn thực vật, của Đại học Dược Hà Nội, được Bộ y tế đưa vào để thay thế 2 người trong Ban dân y đã hy sinh. Là một tri thức trẻ, xuất thân từ gia tộc có truyền thống thuốc Nam lâu đời, lại được đào tạo một cách rất bài bản, nhất là về địa lí thực vật, dưới sự chỉ dẫn của các nhà khoa học lỗi lạc bậc nhất thời đó và lại rất say mê nghề nghiệp, nên ngay từ khi bắt đầu hành quân vào Nam nhận nhiệm vụ, trên đường đi Ds. Đào Kim Long đã tranh thủ tiến hành quan sát, nghiên cứu về thực vật làm thuốc của các vùng dọc theo Trường Sơn. Kiến thức về địa lí thực vật cho biết: Mỗi loài cây thường có những “láng giềng”, những “bạn đồng hành”, giới chuyên môn gọi là những “cây chỉ thị”. Chung quanh cây sâm, cũng có một số loài chỉ thị như vậy. Đó cũng là dấu hiệu, để những người tìm thuốc có kinh nghiệm, phát hiện ra vị trị có cây sâm mọc. Trong quá trình làm công tác điều tra dược liệu tại vùng núi Ngọc Linh, ông đã nhận ra một số cây chỉ thị như vậy, phân bố dọc theo các bờ suối ẩm thấp. Do đó, tháng 6/1972, tại Hội nghị dược toàn khu, ông đã trình bày một báo cáo về tình hình dược liệu vùng núi Ngọc Linh và mạnh dạn đưa ra dự đoán: Trên núi Ngọc Linh rất nhiều khả năng có nhân sâm và những cây cùng họ.

Bản báo cáo có sức thuyết phục lớn. Do đó, sau hội nghị Ban dân y Khu V đã quyết định thành lập đoàn điều tra dược liệu trên núi Ngọc Linh. Thành phần đoàn gồm có 4 người: Ds. Đào Kim Long là trưởng đoàn, các thành viên khác là Ds. Nguyễn Châu Giang, Ks. Nguyễn Bá Hoạt và Ds. Trần Thanh Dân. Khi đến Kon Tum, Ban y tế tỉnh cử thêm nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Lê, làm người dẫn đường.

Chẳng bao lâu, dự đoán của Ds. Đào Kim Long đã thành hiện thực. Đúng 9 giờ sáng ngày 19-03-1973, giữa lúc chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt nhất, đoàn điều tra dược liệu đã phát hiện trên con đường đi từ làng Ku-Gia, theo sườn Đông Nam dẫy núi Ngọc Linh, ở độ cao khoảng trên 1500m, hai cây nhân sâm đầu tiên: một cây 9 tuổi, một cây 11 tuổi. Và đến 19 giờ cùng ngày, đoàn đã đặt chân vào vùng sâm Ngọc Linh rộng lớn. Đầu tháng 4/1973, đoàn đã điện báo về Ban dân y, báo cáo đã phát hiện được nhân sâm trên núi Ngọc Linh. Ban dân y chỉ thị cho Tổ dược liệu trở về ngay, báo cáo kết quả với ban lãnh đạo. Để minh họa thêm, ông Lai mở cho xem một tập tài liệu đánh máy chữ, tiêu đề báo cáo là “Nhân sâm đốt trúc”, trong ngoặc đơn ở phía dưới có 4 chữ Hán: “trúc tiết nhân sâm”. Ds. Đào Kim Long đã gọi loài sâm này là “nhân sâm Ngọc Linh”; Đặt tên khoa học là Panax articulatus K.L.Dao. Để giữ bí mật nơi mọc, nên gọi là “sâm K5”; Vì củ sâm có dáng như đốt tre nên gọi là “nhân sâm đốt trúc”.

Đó chính là bản báo cáo, mà Ds. Đào Kim Long đã trình bày tại Văn phòng Ban y tế khu, ngày 8/6/1973, dưới sự chủ trì của ông Chín Liêm – thường vụ Khu ủy phụ trách khối kinh tế, y tế. Kèm theo báo cáo có tiêu bản ép, ảnh chụp cây sâm và khoảng 3kg củ đã phơi khô. Ngay hôm sau, toàn bộ kết quả, bao gồm tài liệu điều tra, bản báo cáo và 3kg củ nhân sâm Ngọc Linh, đã được niêm phong như tài liệu mật trong thời chiến và gửi ra Vụ I (Vụ miền Nam), Bộ Y tế, ở Hà Nội. Ban y tế khu chỉ lưu giữ những tài liệu cần thiết để phục vụ cho việc chỉ đạo tiếp theo. Ông Lai cho biết, sau đó không thấy Bộ phản hồi. Sau khi Vụ I giải thể, không biết những tài liệu nói trên thất lạc ở đâu.

Như vậy, bản đánh máy mà chúng tôi được xem, có khả năng là tài liệu gốc duy nhất về quá trình tìm kiếm và phát hiện nhân sâm, còn lưu giữ được tới ngày nay. Suốt 40 năm qua, ông Lai đã cẩn thận bản quản những tài liệu này. Và đây là lần đầu tiên, ông cho xem và quay phim, chụp ảnh. Sau ngày giải phóng, Ban y tế khu cũng giải thể, nên những tài liệu nói trên vẫn do ông Lai lưu giữ.

2. Vì sao Sâm Ngọc Linh không thể di thực đến nơi khác ?

Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã nhận thấy: cùng là một vị thuốc, nhưng sản sinh ở những nơi khác nhau, chất lượng (tác dụng trị liệu) thường không giống nhau. Từ đó, đã hình thành khái niệm mà Đông y gọi là “đạo địa dược vật” (dược liệu địa đạo), đó là “thuốc đặc sản” hay “ thuốc đặc hữu”. Sâm Ngọc Linh cũng là một loại nhân sâm, nhưng sinh trưởng trong điều kiện đặc thù của núi Ngọc Linh, nên có những tính năng đặc biệt, là “thuốc đặc sản” theo nghĩa như vậy. Tương tự như “bưởi Đoan Hùng”, “cam Bố Hạ”, khi nói về trái cây

Ngay từ thế kỷ trước, các nghiên cứu về lý hóa đã cho thấy, cùng là “nhân sâm”, nhưng sâm ở Triều Tiên, ở Trung Quốc, ở Nhật Bản có thành phần và hàm lượng các saponin không giống như nhau. Ngay như khi phân tích hàm lượng saponin trong lá nhân sâm, sản sinh ở 7 địa phương khác nhau, cùng thuộc tỉnh Cát Lâm Trung Quốc, cũng thấy có sự khác biệt rất lớn.

Yêu cầu về điều kiện sinh thái của nhân sâm hết sức nghiêm ngặt. Cây sâm ưa khí hậu râm mát và ẩm thấp, nhưng thoát nước tốt, đất có nhiều chất mùn, ánh sáng mặt trời chiếu chếch, kị nắng gắt và nhiệt độ cao. Khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp với nhân sâm không nhiều. Như tại Trung Quốc chỉ có một dải đất rất hẹp thuộc vùng núi Trường Bạch (phần thuộc địa phận của Trung Quốc), là có những điều kiện sinh thái như vậy. Còn ở nước ta, chỉ có một số khu vực thuộc vùng núi Ngọc Linh.

Kết quả điều tra cho thấy, Sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên tập trung trong phạm vi 13 xã của các huyện miền núi, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, ở độ cao từ 1500m – 2100m, và điều kiện tiên quyết là có rừng nguyên sinh. Trước kia, khi rừng còn nhiều, Sâm Ngọc Linh phân bố khá nhiều ở độ cao 1500m, nhưng nay rừng bị chặt phá quá nhiều, chỉ còn phân bố chủ yếu ở độ cao 1800-2100m. Hệ thực vật ở những nơi có Sâm Ngọc Linh sống tự nhiên hầu như còn nguyên vẹn: Là rừng nguyên sinh, bao gồm 3 sinh tầng chính: Sinh tầng đại mộc, Sinh tầng trung mộc, cây bụi, và Sinh tầng cỏ. Sâm Ngọc Linh là cây thuộc Sinh tầng cỏ.

Khí hậu vùng núi Ngọc Linh, nơi có sâm mọc, rất khác biệt so với các vùng xung quanh: lượng mưa lớn, độ ẩm cao, lượng bốc hơi thấp, luôn luôn ẩm ướt, thường xuyên có mây mù. Ngoài ra, sự biến đổi của khí hậu theo tháng trong năm, cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của Sâm Ngọc Linh. Và cũng là điều kiện đặc thù về khí hậu, mà các vùng khác không có được.

Về thổ nhưỡng: Sâm Ngọc Linh thường mọc trên đất có màu nâu đen, tơi xốp, nhiều mùn, tạo thành bởi lá cây mục và chứa nhiều nước. Những vùng có Sâm Ngọc Linh hầu như đều nằm trong vành đai rừng phòng hộ (rừng nguyên sinh), chưa chịu nhiều ảnh hưởng của con người, nên dưới thảm lá mục là tầng mùn dày.

Từ hàng ngàn năm qua, Sâm Ngọc Linh đã sinh trưởng trong điều kiện sinh thái, với những đặc trưng trên, mà không nơi nào khác ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, có được. Và chính điều này giúp chúng ta lý giải, vì sao nhiều năm qua, đã có nhiều thử nghiệm di thực Sâm Ngọc Linh trồng ở một số địa phương khác, nhưng dù bằng phương pháp sinh sản vô tính hay hữu tính, cây nói chung đều không thể sinh trưởng và phát triển bình thường. Một số ít địa phương, tuy cây có phát triển, ra hoa, nhưng chất lượng thuốc cũng sẽ không thể nào bằng Sâm Ngọc Linh sinh trưởng ở bản địa.

Nhân tiện, xin được nói tới một hiện tượng liên quan đến vấn đề nhân giống Sâm Ngọc Linh theo công nghệ nuôi cấy mô. Khi đi thăm quan trại Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, ngoài những cây được nhân giống theo phương pháp truyền thống (bằng hạt hoặc thân rễ), chúng tôi còn được quan sát khu vực trồng Sâm Ngọc Linh, được nhân giống bằng nuôi cấy mô. Những cây sâm này đã có thân, lá và rễ củ. Nhưng chỉ nhìn hình dạng bên ngoài, đã thấy là “dị bản”, có người còn mạnh miệng nói là “quái thai”: Cây nuôi cấy mô có nhiều thân, nhiều lá và hàng chùm củ (chứ không mỗi năm mọc lên một thân khí, … như cây Sâm Ngọc Linh chính phẩm). Hiện tại như vậy, không biết đến khi cây đủ độ tuổi, phân tích thành phần hóa học kết quả sẽ ra sao.

Nhân sâm Ngọc Linh được nuôi cấy mô

Nhân sâm Ngọc Linh được nuôi cấy mô

3. Sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt diệt

Chúng tôi được đến thăm quan Trại sâm của tỉnh Kon-Tum vào một ngày giữa tháng tư, khi cây sâm bắt đầu ra hoa. Đối với chúng tôi, đó là điều may mắn nhất trong chuyến đi lần này. Trại sâm nằm ở phía Tây núi Ngọc Linh, thuộc địa bàn huyện Tu-mơ-rông. Là một cấm địa, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Phải được sự cho phép của cấp lãnh đạo cao nhất tỉnh và phải qua nhiều vành đai bảo vệ, mới có thể bước chân vào được. Ngay khi đã vào trong trại, khi đi tham quan, mỗi một vị khách đều được một hoặc hai anh công nhân, người dân tộc đi kèm, để dẫn đường, bảo vệ, tránh những bàn chông giấu kín dưới những lớp lá mục … Trên đường đi, cứ một quãng lại gặp một “vệ sĩ 4 chân”, một vài cái lán gỗ, nơi sinh hoạt của công nhân và cũng là những chốt bảo vệ, … Trại sâm do Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Đăk Tô, Kon Tum trực tiếp quản lý có diện tích trên 100 héc-ta, ở độ cao 2000m, trên đỉnh Ngọc Linh. Nhiệm vụ của trại từ năm 2004 đến 2014, chủ yếu là bảo tồn giống Sâm Ngọc Linh, chuẩn bị cây giống phục vụ nhân rộng, phát triển cây sâm trong tương lai.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trại chủ trương tập trung bám sát các quy luật phát triển tự nhiên của cây sâm: Những cây Sâm Ngọc Linh ở đây được trồng trên lớp đất mùn, dưới tán rừng nguyên sinh, có độ che phủ trên 75%, nhiệt độ ban ngày hôm chúng tôi đến khoảng 14-15oC, đêm xuống thấp hơn; độ ẩm trung bình được duy trì trên 80% bởi tán lá rừng cùng hệ thống phun nước nhân tạo, … Ngoài việc đầu tư công sức và tiền của, nhằm duy trì những điều kiện thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây sâm, để bảo vệ cho cây sâm phát triển bình thường, tránh khỏi sự phá hại của các loại “thiên tặc”, như chuột (ăn lá và chồi non), chim (ăn hạt sâm), … còn phải thực thi những biện pháp bảo vệ thích hợp. Do yêu quý thiên nhiên, hiểu rõ những tập tính của các loài cây và loài vật, cán bộ công nhân viên ở đây đã sáng tạo ra những biện pháp chống chuột và chim hết sức đơn giản và hữu hiệu, tận dụng được những vật tư, nguyên liệu sẵn có ngay tại chỗ (không phải là dùng túi ni lông để bọc quả chống chim ăn, như có một bài báo đã viết), không ảnh hưởng xấu đến môi trường … Tiếc rằng, do chưa kịp liên hệ với những người hữu quan, e rằng viết ra sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền sáng chế, nên tạm thời chưa thể kể lại.

Thật tình, trước khi đến Kon Tum, đọc những bài viết về khó khăn trong việc bảo tồn Sâm Ngọc Linh, tôi đã rất bi quan, chỉ lo một ngày nào đó thứ sâm quý giá này sẽ biến mất. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến công việc và kết quả trồng sâm ở trại sâm Kon Tum, nỗi lo về “ngày tận thế của cây sâm” đã tan biến. Một tin vui nữa: Hiện tại, cây Sâm Ngọc Linh đã được đưa ra khỏi danh sách những cây có nguy cơ tuyệt chủng. Theo ông Phạm Thanh Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, năm 2015 tỉnh sẽ phát triển được khoảng 500 héc-ta diện tích sâm, trong đó có 100 héc-ta có thể thu hoạch, với sản lượng khoảng tới 40 tấn. Theo ước tính của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, diện tích sâm do người dân tự trồng tới nay cũng đã có tới hàng trăm héc-ta, trong đó có những cây sâm đã 15 tuổi. Tại vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam, nhờ có “Phong trào trồng sâm nhân dân”, Sâm Ngọc Linh được dân bản địa trồng nhiều, ở các thôn thuộc xã Trà Linh, thuộc Nam Trà My.

Để có những vườn sâm rộng lớn như ngày nay, khởi đầu vấn đề cấp thiết là cây giống. Thời kỳ sau giải phóng, Hệ thống y tế ở các tỉnh còn có Trạm dược liệu. Khi đó, 2 Trạm dược liệu ở hai tỉnh có núi Ngọc Linh, chỉ có Trạm dược liệu Quảng Nam – Đà nẵng hoạt động hiệu quả. Trại đã xây dựng được vườn sâm giống, phục vụ cho việc bảo tồn, tái sinh và phát triển cây sâm. Thế nhưng, từ khi hệ thống các trạm dược liệu ở các tỉnh giải thể, các vườn sâm thành nơi hoang phế. Sâm mọc tự nhiên thì bị khai thác bừa bãi, không thể tái sinh. Nên đến năm 1985, cây Sâm Ngọc Linh đã đứng trước nguy cơ tuyệt diệt.

May thay, cuối những năm thập kỉ 80, Sở Y tế Quảng Nam – Đà Nẵng đã triển khai những hoạt động hữu hiệu để cứu cây sâm. Cùng với việc tiến hành khôi phục trại sâm giống, ngành y tế còn chủ trương phát động phong trào “trồng sâm nhân dân”. Nhờ vậy, từ thập niên 90, các vườn sâm ở Nam Trà My, đã có những cây Sâm Ngọc Linh giống đầu tiên, để cung cấp cho các vườn sâm, ở cả hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, cũng như cho việc nghiên cứu di thực Sâm Ngọc Linh.

Nói đến việc bảo tồn Sâm Ngọc Linh không thể không nhắc tới sự đóng góp của đặc biệt của các Ds. Đống Viết Thắng và Ds. Đặng Ngọc Phái. Ds. Đống Viết Thắng, trưởng trạm Trạm nghiên cứu dược liệu Quảng Nam – Đà Nẵng thời sau giải phóng, là người từ năm 1978 đã có sáng kiến chọn Trà Linh làm địa điểm để tiến hành đầu tư xây dựng trại dược liệu Sâm Ngọc Linh. Còn Ds. Đặng Ngọc Phái là người đã có công phát động “Phong trào trồng sâm nhân dân”.

Trong chuyến đi này, tôi có may mắn được giao lưu với DS. Đặng Ngọc Phái. Suốt mấy ngày hành trình, trên đường đi cũng như trên núi, tôi luôn tranh thủ bám sát ông để được nghe giới thiệu về cây thuốc địa phương. Mỗi khi bắt gặp một cây thuốc, ông thường thốt lên như gặp lại một người bạn cũ: “Đây nè, … sâm cau đó”; “Chỗ lùm cây đó … bướm bạc đó”, “Trên cao kìa … cốt toái bổ đó”, .. Dược sĩ Phái là người có cảm tình sâu nặng đối với thuốc Nam. Thời còn đương chức, khi phát biểu trên diễn đàn, cũng như khi trò chuyện bình thường, ông luôn nhắc đến việc bảo tồn các cây thuốc Nam. Đi đâu ông cũng mang theo bản kết quả điều tra về thực vật chí, để hướng dẫn các Trạm y tế xây dựng lại các vườn thuốc Nam và dùng thuốc Nam để chữa bệnh.

Để việc bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh, theo ông, nếu tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết rõ giá trị và lợi ích kinh tế, để người dân tự giác bảo vệ, biết cách chăm sóc các vùng dược liệu tự nhiên sẵn có, có kế hoạch thu hái và tái sinh; Đồng thời có kế hoạch nhân giống, đem cây sâm đến trồng ở những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp, thì tương lai sản lượng Sâm Ngọc Linh hàng năm không những có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước, mà có có thể xuất khẩu được. Đặc biệt nhất là, theo ông Phái, Sâm Ngọc Linh cũng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa. Không thể huy động dân miền xuôi lên núi trồng sâm. Khuyến khích dân bản địa trồng sâm, còn mở hướng cho đồng bào dân tộc ở vùng này chuyển đổi cây trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Nhờ phong trào “Trồng sâm nhân dân”, do ông phát động, mà nhiều gia đình ở vùng sâu vùng xa đã thoát khỏi đói nghèo. Thực tình khi mới gặp, biết Ds. Đặng Ngọc Phái từng là Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, lại được phong Thầy thuốc Nhân Dân, và được tặng Huân chương Lao Động, … tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi”. Ai ngờ, gặp vài lần là thấy mến liền. Vì đó là con người rất giản dị, cởi mở, vui tính và tốt bụng, một điển hình của mẫu người Quảng Nam ân cần mến khách.

Lương y Huyên Thảo

(Bài tóm tắt đã đăng trên tạp chí “Tri Thức Trẻ” số Tết Quý Tỵ)