Lời tựa

Lời tựa

 

Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Hà Nội, được học tập và trở thành giảng viên của trường Đại học Dược khoa Hà Nội là điều may mắn và vinh hạnh nhất đời tôi. Vì khi đó, chúng tôi được một đội ngũ các thầy thuốc giỏi nhất nước và đồng thời là các nhà khoa học lừng danh trực tiếp giáo huấn và dìu dắt. Tôi có nhiều bạn hiền cùng học tập mà sau này rất nhiều người trở thành “lương đống” của nền y dược học Việt Nam và là các nhà khoa học nổi danh trong thời kỳ lịch sử huy hoàng nhất của nước nhà. Hiện nay nhiều thầy đã biến thành đường phố ở thủ đô Hà Nội và các thành phố khác. Anh linh của các thầy đã trùm lên sông núi đất Việt. Các bạn tôi, nhiều người đã ra đi, những người còn lại vẫn ngày đêm làm việc và cống hiến. Chúng tôi như những con thuyền nhỏ bị cuốn trôi vào các dòng sông đầy cám dỗ của khoa học và hiến dâng, thấm thoắt đều đã bước vào tuổi “ngoại thất tuần”. Suốt cuộc đời, chúng tôi luôn mang theo kiến thức, phương pháp, đam mê, và cả mong muốn của các thầy. Nay đã ngoài 70 tuổi, tôi viết những bài trên trang web này để tiếp nối sự nghiệp y dược khoa ngàn năm của đất Việt, giáo huấn các học trò của mình – đó là các đệ tử Nam Y.

Các đệ tử Nam Y cần có 5 điều tâm nguyện luôn luôn phải ghi nhớ:

1. Học tập để làm người lao động giỏi

Học làm nghề chữa bệnh là một nghề khó nhọc, trước tiên là để mưu sinh. Đối tượng lao động của nghề chữa bệnh là con người – đó là sản phẩm được hun đúc bởi trời đất từ hàng triệu năm mà cuộc sống chỉ có một thời gian có hạn. Cuộc sống đó đã từ lâu các sư phụ phương Đông hiểu là “quý hơn cả ngàn (lạng) vàng” (theo "Thiên kim yếu phương" của Tôn Tư Mạo). Vì vậy, chữa bệnh mưu sinh cần phải nhận đồng tiền bát gạo của người bệnh trong danh dự và trong sạch.

2. Học tập để trở thành người học trò giỏi

Muốn lao động giỏi phải học giỏi, tiếp thu ngày càng sâu rộng kiến thức cổ kim, Đông Tây. Muốn vậy phải không ngừng học tập, học thầy, học bạn, học ở sách vở tài liệu, học ở thông tin báo chí, học trong cuộc đời… học để biết được sự “huyền diệu của trời đất, bí mật của quỷ thần”…

3. Học tập để trở thành người thầy giỏi

Tre già, măng mọc là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Đến lúc nào đó cần truyền thụ lại nhưng kiến thức, kinh nghiệm, nghiên cứu, phát minh mà bản thân người thầy đã học được cho thế hệ tiếp theo. Phải hiểu học trò là những người tiếp nối cái nghề, cái nghiệp và cái chí của mình. Tận tâm giáo huấn học trò để thầy tiếp tục tu sửa mình, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chữa bệnh và phát triển nền y khoa thuần Việt mà cha ông ta đã dày công hàng ngàn năm xây dựng, bảo tồn và phát triển.

4. Học tập để trở thành một nhà khoa học chân thực

Bản thân khoa học chính là sự chân thực của chân lý. Nó bao gồm tất cả các quy luật tự nhiên và xã hội từ vĩ mô đến vi mô, những quy luật ấy vô cùng và vô tận, tồn tại khách quan trong đời sống của con người. Các nhà khoa học kế tiếp nhau ở mọi dân tộc và mọi thời đại bằng nghiên cứu của mình phát hiện và chứng minh sự tồn tại của những quy luật này. Chính quyền có thể bạo ngược đưa các nhà khoa học ra hành hình trên giàn hỏa thiêu hay trên giá treo cổ thì chân lý được phát hiện bởi các nhà khoa học vẫn sống mãi không bao giờ chết.

5. Học tập để trở thành lương y giỏi

Một lương y giỏi không chỉ là một người thầy thuốc hội tụ đủ phẩm hạnh của người lao động giỏi, người học trò giỏi, người thầy giỏi, nhà khoa học chân thực mà còn có phẩm chất của một tướng tài thao lược mà từ ngàn xưa ông cha ta đã suy tôn “lương y như lương tướng”, là người có tài năng, bản lĩnh và lòng quả cảm xông pha vào nơi hiểm nguy để có thể tranh chấp sống chết với tử thần, tuổi thọ với mệnh số, tránh cho con người khỏi chết non, chết yểu, chết oan, chết uổng như các sư phụ ngàn đời hằng mong ước.

Thầy và trò Nam Y hãy lấy lời di huấn của sư tổ Tuệ Tĩnh làm phương châm học tập nghiên cứu suốt đời của mình:

“Tôi tiên sư kính đạo tiên sư,
Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”

Chúng ta cần kế thừa và nghiên cứu phát triển Nam Y tiếp cận với y học hiện đại cùng với tất cả các nền văn hóa y khoa khác để bảo vệ sức khỏe toàn dân. Bản thân tôi sẽ cố gắng khỏe mạnh, minh mẫn cùng với học trò tiếp tục viết bài để giáo huấn các đệ tử Nam Y, và cũng có thể để những người yêu mến nền y khoa ngàn năm của đất Việt có thêm tài liệu tham khảo và có cách phòng, chữa bệnh riêng cho mình.

Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả bạn bè, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã động viên hỗ trợ và khuyến khích tôi viết những bài này. Đồng thời tôi cũng vô cùng cảm ơn hàng vạn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở khắp trong và ngoài nước trên toàn thế giới đã tín nhiệm cho chúng tôi được phục vụ chữa bệnh và để có tư liệu tổng kết trên trang web này. Rất nhiều người bệnh đã được chữa khỏi hẳn và trở về với cuộc sống thường ngày. Phần lớn số người bệnh được kéo dài thêm cuộc sống, nhưng cũng có nhiều người bệnh nặng chúng tôi khổng thể giúp được vì “lực bất tòng tâm”.

Đối với các bậc tài đức, các sư phụ Đông Tây Y tình cờ mở và chót đọc các bài viết này, xin được các ngài đánh cho hai chữ “Đại xá”.

Dược sĩ, Lương y Đào Kim Long
Hà Nội, 3/2011