Y học giao thoa Đông – Tây

Đến nay toàn thế giới hòa nhập, y học phương Tây với hơn bốn thế kỷ đi trên con đường thực nghiệm, nhiều học giả bắt đầu tiếc nuối quá khứ muốn quay về tìm lại các nguyên tắc tự nhiên của ông tổ Tây y là Hippocrates.

Tại hội nghị quốc tế lần thứ VIII về nội khoa ở Buenos Aires năm 1964, giáo sư Mariano de Castex đã nhận định: “Những năm gần đây, trước sự xâm lấn của kỹ thuật học, khoa học và nnoij khoa đã làm mất nhân tính của người bệnh và mất tư cách của người thầy thuốc. Trước tình hình đó, truyền thống lâm sàng cổ điển, đại diện là y học Hippocrates đã đứng lên bênh vực đặc quyền quan sát lâm sàng sáng ngời bởi uy tín của 25 thế kỷ vô cùng phong phú”.

Nhà ngoại khoa nổi tiếng Leriches cũng đã viết: “Say  sưa với phân tích và mới lạ, y học khao khát được một phút tổng hợp để được hồi sức, nó muốn trở về với Hippocrates”.

Một số nhà khoa học khác lại tiến về phương Đông, tìm vào kho báu vô tận của Đông y. Nhà khoa học Đức, giáo sư Boacter tại Đại học Munich viết: “Đông y được xây dựng trên một cơ sở quy nạp và tổng hợp, một số lượng lớn những biến đổi sinh lý và bệnh lý mà các thầy thuốc đã phát hiện ở người bệnh qua hàng ngàn năm. Hệ thống tạng tượng của Đông y là một mô hình phức tạp bao gồm nhiều chức năng liên quan, tác động qua lại với nhau, vận động theo nhưng quy luật có tính tuần hoàn. Chỉ dựa vào giải phẫu học, không xây dựng nổi một hệ thống như vậy”.

Đông y là một loại khoa học y học có nội dung phong phú trần thuật mạch lạc và hữu hiệu nhất. Đó là một loại y học độc nhất vô nhị.

Như vậy y học phương Tây với gần 5 thế kỷ phát triển và đã nhiều trăm năm xâm nhập, nhưng y học phương Đông vẫn giữ vai trò chủ chốt trong phòng và chữa bệnh từ thôn xã đến thành phố, đô thị lớn, đến trung ương. Y học dân gian, y học truyền thống dân tộc, y học phương Đông ẩn mình sâu trong dân. Nó tồn tại với sức mạnh ngàn năm, như một nền văn hóa dân gian, lẫn trong câu ca giọng hát hàng ngày:

“Rồng rắn lên mây
Có cây Núc nác
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không…?”

Nó được sự che chở của dân, nằm sâu trong dân, tồn tại và thầm lặng phát triển. Từ nửa sau của thế kỷ XX đến nay, y học phương Đông và các y thuật phương Đông dần dần bộc lộ sức mạnh, xâm nhập phương Tây như là một điều tất yếu khi mà Tây y đã bộc lộ hết sở trường sở đoản của mình.

Các nước phương Tây thành lập các hội châm cứu, bệnh viện Đông y, phòng chẩn trị Đông y được xây dựng và hoạt động ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ.

Nước Nhật từ chỗ cấm Đông y hoạt động sớm nhất(1895) đã trở thành nước xuất khẩu Đông dược hàng đầu thế giới vào năm 1980. Nước Đức, nước Pháp là hai nước có nền Tây y mạnh lại là hai nước dùng cây cỏ làm dược liệu chữa bệnh nhiều nhất thế giới.

Năm 1953 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chủ tịch Mao Trạch Đông  đã chính thức đề xuất xây dựng nền y học mới trên cơ sở kết hợp Đông y dược và trí thức y học phương Tây. Từ năm 1958, Trung Tây y kết hợp bắt đầu được các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi. Ngày nay đầu thế kỷ XXI, Trung Hoa là nước y học phát triển rất toàn diện cả về hai mặt Đông và Tây.

Ở Việt Nam, khi bị Pháp cấm, Đông y hoạt động lén lút ngoài sự bảo trợ của nhà nước thực dân. Tuy vậy y học dân tộc và Đông y Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho đại đa số nhân dân.

Sau năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngay sau đó phải bước vào cuộc kháng chiến chống cuộc xâm lược trở lại của thực dân Pháp, y học dân tộc và Đông y vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Hồ Chủ Tịch và Đảng Lao động Việt Nam chỉ đạo xây dựng nền y tế độc lập trên cơ sở khoa học, dân tộc và đại chúng, với phương châm kết hợp Đông Tây y.

Năm 1967, Hội Đông y Việt Nam chính thức được thành lập, sau đó là bệnh viện Đông y được thành lập ở thủ đô và các tỉnh. Thôn xã đều có hội viên hoạt động với phương châm thầy tại nhà và thuốc tại vườn.

Viện nghiên cứu Đông y được thành lập đê nghiên cứu, tổng kết, kế thừa và phát triển di sản quý báu về y dược dân tộc. Các thầy lang, bà mế giỏi được mời về từ khắp các vùng trong cả nước để truyền dạy lại các bài và phương thuốc dân gian đặc biệt công hiệu.

Cuộc kháng chiến chông Mỹ, y tế trong các vùng giải phóng, nhất là ở trên dãy Trường Sơn, y học dân gian, y học dân tộc và Đông y đã phát huy tối đa sức mạnh. Hàng ngàn cây thuốc được phát hiện, có cây thuốc quý nhất thế giới như Nhân sâm Ngọc Linh được tìm thấy (tên khoa học Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Gruskv (1985)).

Các trường chuyên dạy Đông y được thành lập như Trường Y học Dân tộc Tuệ Tĩnh nay đã chuyển thành Học viện Tuệ Tĩnh. Các lớp học Đông y ở các tỉnh và ở Trung ương Hội Đông y được thường xuyên tổ chức. Ở các trường chuyên dạy Đông y, y sinh được trang bị kiến thức khoa học cơ bản, cơ sở của Tây y, các y thuật và thuốc tây.

Các trường chuyên đào tạo Tây y như các trường Đại học Y, Dược, cao đẳng, trung cấp y hoặc dược đều có khoa Đông y và Đông dược, là chương trình học chính khóa bắt buộc để tốt nghiệp bác sĩ hay dược sĩ.

Tại Việt Nam, một thế hệ thầy thuốc giỏi nhất nước như Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hà Nội Hồ Đắc Di, Giáo sư Hiệu phó trường Đại học Y Dược Hà Nội Trương Công Quyền, Giáo sư Viện trưởng Viện Đông y Nguyễn Văn Hưởng, Giáo sư Đỗ Tất Lợi, Giáo sư Vũ Văn Chuyên… tất cả đều là những thầy thuốc tây học xuất sắc đã đặt nền móng cho nền y học mới Việt Nam bao gồm sự kết hợp và phát triển cả Đông và Tây y.

Thời gian này có nhiều sách và giáo trình về Đông y và y học dân tộc được biên soạn. Đặc biệt là cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi. Một nhóm các nhà khoa học nước ngoài đã đánh giá vai trò của Đỗ Tất Lợi trong việc nghiên cứu các cây thuốc vị thuốc Việt Nam như sau: “Đỗ Tất Lợi là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất của y học hiện đại, ông là người bắc nhịp cầu giữa y học khoa học với một trong những nền y học vĩ đại nhất châu Á – nền y học Việt Nam”.

Y học phương Đông hiện nay ở hầu hết các nước phương Đông thực chất là một nền y khoa giao thoa sâu sắc giữa các kiến thức Đông và Tây.

Đông y Việt Nam được liên tục phát triển, chưa có hiện tượng tự cấm như ở Nhật Bản và Trung Quốc. Y học Việt Nam có những bước chuyển mình rất rõ ràng:

  1. Từ khi lập nước, nhà nước Văn Lang đến đời Lý – Trần, y học Việt Nam là y học dân tộc thuần túy, một nền y học mạnh được xây dựng ở một quốc gia hùng mạnh. Mốc có thể tính từ Chử Đồng Tử, ông tổ đầu tiên của nghề thầy thuốc Việt Nam với hai bà vợ là công chúa Tiên Dung và công chúa Tây Sa. Mặc dù chỉ là truyền thuyết nhưng nay còn đền thờ tại Đa Hòa, Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên và ở nhiều nơi khác. Ông đã từng chữa bệnh cho dân và cho cả vua Hùng khi lâm bệnh, rồi cả ba vợ chồng đi vào thế giới bất tử.
  2. Từ đời Trần đến đời Lê, mốc là Tuệ Tĩnh với “Nam dược thần hiệu” “Hồng nghĩa giác tư y thư”. Đó là chiếc cầu lớn thứ nhất, bắc từ y học cổ Việt Nam vào y học cổ Trung Hoa, lấy thuốc Nam làm chính.
  3. Từ thời Lê đến Nguyễn, mốc là Lê Hữu Trác với “Y tôn tâm lĩnh”,  đó là chiếc cầu lớn thứ hai, bắc từ y học cổ Trung Hoa và y học Việt Nam. Kết hợp thuốc Bắc với thuốc Nam. Dùng biện chứng luận trị Đông y và lấy thuốc Bắc làm chính.
  4. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, y học Việt Nam hòa nhập y học hiện đại. “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi là chiếc cầu lớn thứ ba bắc từ y học cổ Việt Nam vào y học hiện đại. Kể từ đó, nền y học Việt Nam là nền y học giao thoa Đông và Tây.

 

Tags: