Y học dân tộc

Các bộ tộc, bộ lạc lớn mạnh dần chiếm cứ các vùng lãnh thổ để lập nước. Các cuộc đấu tranh ác liệt để bảo vệ lãnh thổ và tranh chấp quyền lực đòi hỏi rất nhiều đến y tế để bảo vệ sức khỏe, chữa bệnh cấp cứu: thương đao, cháy nổ, thảm họa chiến tranh cũng như các thảm họa thiên nhiên như mưa bão, lụt lội… Đây là đòi hỏi khách quan để hình thành nên nền “Quốc Y” của các dân tộc khắp nơi trên thế giới.

Những người sở hữu nhiều kiến thức và kinh nghiệm chữa bệnh thường là:

  • Các võ sư trong các môn phái, trường phái võ thường có các bài thuốc thiên về mạnh gân cốt, cấp cứu sưng đau, vết thương do đòn đánh, thương, đao, tên…
  • Các thầy mo, thầy cúng, sư sãi, bà mế, ông lang… chữa bệnh hành ngày bằng cây cỏ, động vật, bằng châm, cứu, chích, lể hoặc các phép chữa đặc biệt khác.
  • Đáng chú ý hơn cả là các nhà thông thái, các học giả trí thức, các triết gia. Ở Phương Đông có các nhà Nho giỏi cả y, lý, số, nhập thế làm quan, phò vua trị quốc, xuất thế về ở ẩn, dạy học hoặc làm thuốc chữa bệnh, từ các bài thuốc, phương thuốc tản mạn được lựa chọn tổng hợp lại, thậm chí được đúc rút thành kinh nghiệm và tổng kết lâm sàng.

Ở Việt Nam ta, đời vua Lý Thái Tổ (1010–1028) dời đô về Thăng Long, có quan Thái Y nổi tiếng nay còn đền thờ ở phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, là thầy thuốc giỏi về châm cứu. Y học Việt Nam khi đó là y học dân tộc, ít nhiều chịu ảnh hưởng của Trung Y.

Y học dân tộc Việt Nam thời Lý, Trần đã phát triển đặc biệt hùng mạnh vì nó đã đảm nhận về mọi mặt y tế của một quốc gia độc lập, nhất là đã hậu cần cho cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông ba lần đại thắng. Trong khi đó đất nước Trung Hoa, trung tâm y khoa của Phương Đông đã bị quân Nguyên đè bẹp.

Y thư tương đương thời kỳ đó không còn nhưng Dược Sơn, vườn thuốc của tướng Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) vẫn còn đến ngày nay. Những năm 1970 của thế kỷ XX, chúng tôi còn có nhiều dịp đưa học sinh lên Dược Sơn tìm thuốc của Đức Thánh Trần. Dược Sơn ngày nay của thế kỷ XXI chỉ còn lại dấu vết.

Đại sư tổ Tuệ Tĩnh 1330-1400

Đến cuối đời Trần, tổ sư Tuệ Tĩnh đã viết Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư và Nam Dược Thần Hiệu, đó là những tác phẩm đầu tiên làm chiếc cầu lớn nối y học Việt Nam với nền y học cổ Trung Hoa đánh dấu một giai đoạn mới của y khoa Việt Nam, giai đoạn hòa nhập với nền y học Phương Đông với câu nói nổi tiếng:

“Tôi tiên sư kính đạo tiên sư
Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”

Nam Dược Thần Hiệu và Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư được lưu giữ trong dân gian đến năm 1717 thì được Phủ Chúa Trịnh cho sửa chữa và in thành sách. Trong lời tựa của sách Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (tức năm 1717), các quan nội thị Phủ Chúa Trịnh viết rằng:

“Trời Nam mở nước, nghề làm thuốc kể có hàng trăm hàng nghìn người nhưng hỏi đến người trước lập thư ngôn để giảng dạy cho người sau thì như leo lên ngọn cây mà tìm cá vậy. Nay có bậc lão sư biệt hiệu Tuệ Tĩnh (tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh), người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng là một vị sư cụ nghiên cứu rộng về học thuyết âm dương, tìm hiểu sâu về y đạo, từng soạn tập bản thảo bằng quốc âm với tất cả 581 vị thuốc, lại đem kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân viết ra 13 phương chữa bệnh và 37 cách chữa thương hàn, tất cả diễn thành lời ca tiếng Việt, sắp thành một pho sách tiếng tăm vang bốn phương”.

Vậy đã cách chúng ta ngày nay hơn 300 năm, thời Lê–Trịnh đã coi Tuệ Tĩnh là người thầy lớn nhất của nghề làm thuốc chữa bệnh ở nước ta.

Các thầy thuốc của nền y học dân tộc cũng mở lớp truyền dạy cho y sinh. Họ đào tạo các thế hệ thầy thuốc kế nghiệp một cách tự phát. Điều này giống với tất cả các nghề khác trong xã hội đương thời như nghề mộc, nghề rèn, nghề may… thậm chí nghề võ.

Các thầy chọn trong số học trò có tài năng, có đạo đức để truyền dạy hết bí mật nghề nghiệp ở ba mức độ khác nhau là công truyền, chân truyền và bí truyền. Học trò được bí truyền là đặc biệt để nối dõi sự nghiệp khi thầy tạ thế.

Do truyền dạy theo cách truyền nghề như vậy nên y thuật, y lý được lưu giữ, bổ sung và phát triển.

Bộ sách nổi tiếng Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư và Nam Dược Thần Hiệu được lưu truyền như vậy mấy trăm năm sau con cháu và học trò mới đem ra sửa chữa và in ấn.

Y học dân tộc không chỉ có ở các nước Châu Á mà còn tồn tại ở các nước Châu Phi, Châu Mỹ. Hiện nay chúng cũng được công nhận như là một bộ phận hợp pháp, bình đẳng với y học hiện đại, đang phát huy khả năng chữa bệnh và phòng bệnh độc đáo của mình.

Tags: