Huyền thoại rất đời
Thứ Năm, 19.8.2010 | 07:26 (GMT + 7)
(Lao Động) – Cũng ít có ai tường tận gốc rễ của sâm Ngọc Linh, ngoài tác giả của khoảng 50 luận án tiến sĩ về nó mà trong bối cảnh “sâm thật – sâm không thật” này cũng bất khả… lên tiếng, nhằm bảo vệ tiếng thơm của một loài danh thảo quý hiếm.
Tác giả phóng sự này đã tìm về cội rễ, giải thích vì sao từ cây “thuốc dấu” vô tăm tích trở thành sâm Ngọc Linh “quốc tuý” của VN.
Vào “rừng chết” tìm cây sống
“Cây nhân sâm Ngọc Linh đã được tìm thấy vào lúc 9h, ngày 18.3.1973”.
Năm 1972, một tổ công tác theo điều động của Bộ Y tế đã được biệt phái vào Nam để nghiên cứu cây thuốc phục vụ cho cuộc chiến tranh mà nhiệm vụ trọng tâm là tìm cây sâm Ngọc Linh. Đoàn điều tra được thành lập do dược sĩ Đào Kim Long (bấy giờ đang dạy học tại ĐH Dược Hà Nội) dẫn đầu cùng các dược sĩ Nguyễn Châu Giang, Trần Thanh Dân và kỹ sư Nguyễn Bá Hoạt.
“Ngày 18.3.1973, lúc ở độ cao khoảng 1.800m, tôi đang đi bỗng thấy Nguyễn Châu Giang chạy vượt lên hỏi tôi: Thầy ơi, cây gì đây? Tôi bàng hoàng như không tin đây là sự thật, hỏi lại: Em cấu ngọn cây này ở đâu? Giang dẫn tôi quay lại độ mươi bước và thế là chúng tôi đã gặp được cây Nhân sâm đầu tiên trên núi Ngọc Linh. Nhìn đồng hồ lúc đó là 9h sáng” – ông Long kể. Từ lúc đó, ông Long cùng đồng đội thu thập mẫu, chụp ảnh, ép tiêu bản và ghi chép các số liệu khoa học vào nhật ký điều tra. Lên cao hơn, ông Long miêu tả: “Đến 17h cùng ngày, khi thả balô xuống bên suối, balô đã đè lên thảm nhân sâm dày đặc, gần như thuần chủng, mọc xanh tốt, nở hoa thơm ngát, ong đến lấy mật vi vu – đã đúng trung tâm vùng sâm”. Với 15 ký sâm phơi khô, có củ đã sống tới 72 năm, cùng tài liệu nghiên cứu, đoàn quay trở về và cũng hút chết khi bị dân bản địa bắt giữ vì nghi là “biệt kích”…Mất cả 6 tháng ở rừng để đi và về vùng sâm, ngày 27.5.1973, đoàn mới có mặt ở căn cứ khu uỷ tại Trà My (Quảng Nam).
Ngay sáng sớm hôm sau, đồng chí Võ Chí Công cùng ban lãnh đạo khu uỷ đã có mặt để nghe đoàn báo cáo kết quả nghiên cứu. Sau đó, toàn bộ thành quả nghiên cứu của đoàn đã được chuyển về Hà Nội theo lệnh trên. Cũng theo ông Long, toàn bộ tài liệu ấy sau này đã đến tay ông Nguyễn Thới Nhâm rồi thành điểm xuất phát để dược sĩ Nhâm trở thành tiến sĩ và là giám đốc đầu tiên của Viện Nhân sâm VN. Mọi phân tích, so sánh và khảo cứu của giới khoa học sau này (với hơn 50 luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ) còn cho thấy: “Nhân sâm Ngọc Linh là loài cây bản địa VN, đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, là một loại sâm tốt nhất thế giới, không thua kém sâm Trường Bạch (Triều Tiên) và sâm Tây Dương (Mỹ). Tên tuổi của nó đã vượt ra ngoài lãnh thổ VN”. Tại VN, tên khoa học đã được xác định mang danh người tìm ra nó: Panaxarticulatus Kim Long Đào.
Sâm thật ở rừng. Ảnh Nguyễn Thịnh |
Ngày lên đường, dược sĩ Đào Kim Long vừa tròn 33 tuổi. Đến giờ đã ngoại 70, vẫn sống ở Hà Nội và trở thành bạn vong niên của ông Hà Ban – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, khi tỉnh này bước vào giai đoạn đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống loại sâm vua này trên vùng đất mà thiên nhiên ưu ái tặng riêng. Câu chuyện “sâm… không thật” ở bài trên cũng được ông Đào Kim Long quan tâm, điều tra từ nhiều năm trước. Bây giờ trở thành thông tin đối chứng cho những hoang mang của dư luận. Nguồn tin từ đây cũng cho hay: Loại sâm tràn về Kon Tum thời gian qua đích thị là loại tam thất đỏ, có hình thức giống sâm Ngọc Linh nhất trong số vài loài tương tự.
Trả lại tên cho… sâm
Cuối tháng 7.2010, đoàn leo núi chúng tôi do ông Hà Ban dẫn đầu cùng lãnh đạo các sở y tế, nông nghiệp, huyện Tu Mơ Rông…cũng đủ hùng hậu cho một quyết tâm trả lại tên cho sâm. Từ chân đèo Măng Ri, mấy chiếc ôtô hai cầu nhẫn nại vượt lên từng đoạn dốc 1.200m, 1.400m, 1.600m, 1.800m, rồi ì ạch dừng lại: Dốc cao, đường trơn dù ban quản lý vùng sâm đã cho xe ủi bào đường lấy lối xe lên chỉ trong vòng một ngày trước đó. Ông Hà Ban bảo: “Hầu như năm nào tôi cũng lên vùng sâm ít nhất một lần; chỉ gần hai năm qua do bị bão số 9 càn quét Kon Tum nặng nề nên giờ mới lên lại được”. Để đến được độ cao 2.000m, nơi trụ sở trạm sâm toạ lạc, mấy chiếc xe hai cầu không ngừng gầm rú náo động cả khúc rừng, quay ngang quay dọc đủ kiểu, chèn đẩy đủ kiểu mới lên được đến nơi. Lại mấy trăm mét leo bộ ngược núi, đoàn mới đến được gần “đỉnh sâm”- độ cao chừng 2.300m; nhiều người rớt lại ở trạm do không đủ sức.
Cả một vùng rừng nguyên sinh huyền bí lộ ra, thâm u và hấp dẫn; lối mòn len giữa những cây cổ thụ đến mấy trăm năm tuổi, rêu phong mặc áo dày đặc cho cây bởi thiếu ánh mặt trời. Ở đây, sâm trồng theo luống, âm thầm dưới rừng nguyên sinh xen lẫn với sâm tự nhiên nhờ hạt sâm phát tán, cả trong những gốc cây cổ thụ hay những hốc đá cao ngang ngực người. Trưởng đoàn dặn: Chớ đi chệch lối mòn bởi những hầm chông được cài khá dày trong khu vực, cũng chớ… táy máy mà thử nhổ, dù chỉ một củ sâm trong rừng bởi những “chiến sĩ Xê Đăng” bảo vệ vùng sâm rất trung thành với nhiệm vụ, sẵn sàng hươ dao quắm ra ngay. Thì đây, suốt cả buổi lội giữa rừng sâm, A Bun, A Lũ, A Phăng, A Choang… cũng nào cũng cặp kè với dao quắm trên tay, thân thiện một cách… cảnh giác với mọi thành viên trong đoàn. Chưa kể sâm củ, chỉ cần sâm hạt đang giữa mùa hoa sâm, vừa cao ngang tầm tay, ngắt một – hai đoá hạt đã có ngay cả trăm ngàn đồng (giống sâm hiện có giá 6.000 đồng/ hạt; mỗi bông có trên 15- 20 hạt); sợ mất cũng phải. Quý đến độ, dù khéo đặt chân đến mấy cũng có vài cành, lá sâm bị xéo gãy; anh em bảo vệ đi sau đã nhặt ngay lấy, chiều về.. nấu canh.
Theo báo cáo của trạm sâm (thuộc Cty lâm nghiệp Đắc Tô), sau gần 10 năm phát triển, cả vùng sâm “cô đặc” cũng mới có được 4,6ha (rải rác giữa 50ha toàn dự án). Ngoài số ít được thí điểm ban đầu (1999), đến nay đã được 9 – 10 năm tuổi, còn lại phổ biến là loại 5 – 6 năm tuổi trở xuống, cây mới cao chừng 50 – 60cm. “Dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng” chính thức triển khai từ năm 2005 mới chỉ tiêu hết có 6,6 tỉ đồng, bằng 60% của giai đoạn I (2005- 2009) do nhiều khó khăn khách quan, nhất là nguồn giống cho sâm.
Dự án sâm tại đây được triển khai cả từ 3 phương thức: Cắt lát ươm mầm (quá đắt), nuôi cấy mô từ Đà Lạt (chưa thực sự thành công trên thực địa), vì thế mà cách rẻ nhất hiện giờ là trồng, thu hoạch hạt, rồi ươm giống cấp cho dân. Xung quanh vùng núi Ngọc Linh ở độ cao trên 1.700m, nhiều hộ dân Xê Đăng đã trồng thành công ở mức “cô đặc” chưa tới… 2ha. Nhiều hộ chỉ trồng vài trăm mét vuông đã có thể nuôi cả ba đứa con vào đại học. Sâm Ngọc Linh từng được thử nghiệm ở các vùng núi cao như Sa Pa, Lâm Đồng… đã đều thất bại, mới thấy phát triển loài danh thảo này không hề dễ dàng; dù về đất đai, vùng Ngọc Linh có thể phát triển tới cả vạn hécta.
Ở gần đỉnh núi, ông Ban gây cho đoàn một bất ngờ khi không biết từ đâu đưa ra một cây sâm đối sánh với sâm thật, tươi rói với cả củ, cành, lá và hoa. “Dân sâm” mắc lừa cũng phải. Chúng giống nhau đến lạ kỳ. Phó GĐ Cty lâm nghiệp Đăk Tô, đồng thời là người phụ trách vùng sâm dự án, ông Lê Tiến Chinh, phân tích: Tuy hình dạng lá thoạt nhìn giống nhau, nhưng sâm Ngọc Linh thật chỉ có 5 khía lá, loại không thật có tới 7 khía lá; sâm thật mỗi năm một lần rụng cuống thân để lại vết đứt gọn, không để lại xơ gốc xen-lu-lô; củ sâm thật để lâu chỉ quắt lại mà chắc tay; loại kia để lâu dễ thối, khô thì xốp nhẹ; trọng lượng sâm thật thường to lắm (và rất hiếm) cũng dưới 1 ký/ củ; vị sâm thật đắng ngọt; sâm kia đắng gắt; sâm thật mỗi trái chỉ một hạt, sâm kia lại 2 hạt… Vả lại, “sâm không thật” trồng rất nhanh lớn, một năm có thể cho củ giống sâm… 10 năm tuổi. Kỳ thực ra người ta đã tốn hàng trăm tỉ đồng cho sâm, nhưng chẳng mấy ai có điều kiện để biết hình dáng cây sâm nó ra làm sao; thường chỉ nhìn với…nếm xong là mua. Thế mới dễ lừa.
Để bảo vệ “thương hiệu” sâm Ngọc Linh (đến giờ sâm Ngọc Linh vẫn chưa được đăng ký bảo vệ sản phẩm), ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án đến năm 2014, ông Ban cho biết sẽ kiểm nghiệm chất lượng cũng như điều tra kỹ hơn về “sâm không thật”, sẽ xúc tiến việc “bản quyền hoá” bằng hệ thống kiểm định, với bao bì nhãn mác “cầu chứng” cho sâm Ngọc Linh.
Cũng vào cuối tháng 7.2010, trong cùng mục tiêu bảo vệ sâm Ngọc Linh, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum và cam kết, với tư cách của bộ, sẽ triển khai thêm một dự án sâm Ngọc Linh rộng chừng 80ha cùng với việc hỗ trợ mở đường lên núi, phát triển hoạt động nuôi cấy mô gắn với thực địa vùng núi Ngọc Linh… nhằm đánh thức tiềm năng loại danh thảo số 1 này.
Nguyễn Thịnh
Tags: Nhân sâm Ngọc Linh