Một con người xứng đáng được xã hội tôn vinh
Tôi là Nguyễn Phú Thuỳ, Giáo sư tiến sĩ khoa học, đang công tác tại Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi bị ung thư trực tràng từ tháng 9 năm 2003. Trước năm 2002 tôi công tác tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên ĐHQG Hà Nội đồng thời nhiều năm kiêm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm ITIMS, Một Trung tâm chuyên đào tạo Cao học và Tiến sĩ thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo. Cuộc sống quá căng thẳng cứ cuốn hút tôi vào công việc làm tôi quên cả sức khoẻ của mình. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh quái ác này.
Qua bài viết này tôi muốn kể về cuộc chiến đấu gian nan chống căn bệnh ung thư của tôi trong suốt 7 năm qua và sự may mắn của tôi khi tôi gặp được thày Đào Kim Long vào chính lúc mà tôi tưởng đã tuyệt vọng.
Tháng 9 năm 2003, khi phát hiện ra bệnh ung thư trực tràng, tôi được TS Trịnh Hồng Sơn Phó Giám đốc BV Việt Đức mổ cắt u trực tràng và truyền hoá chất 6 lần tại Khoa 1C Bệnh viện Việt Đức. Ca mổ rất tốt, nhưng thật không may khi tôi mới truyền HC được 3 lần thì tôi bị tắc ruột do dây chằng, phải mổ cấp cứu và bị cắt đi 1,6m ruột. Sau thời gian này tôi rất yếu, nhưng với tôi, cuộc đời còn đẹp lắm, còn bao công việc đang chờ tôi phía trước, còn bao dự định nghiên cứu khoa học tôi và các đồng nghiệp còn muốn tiếp tục thực hiện, còn vài nghiên cứu sinh mà tôi đang hướng dẫn và còn bao sinh viên đang chờ tôi nữa. Tôi quyết tâm rèn luyện sức khoẻ và thuốc thang để chóng bình phục. Tôi lại lao vào công việc vì thời gian này tôi đang làm Phó chủ nhiệm Khoa Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội. Năm 2004 sau khi Khoa Công nghệ được nâng lên thành Trường Đại học công nghệ thì tôi lại tiếp tục làm chủ nhiệm Khoa Điện tử viễn thông thuộc Trường Đại học công nghệ.
Sau 3 năm, tháng 9 năm 2006 tôi bị phát hiện ra ung thư di căn vào gan. TS Trịnh Hồng Sơn một lần nữa mổ cắt khối u gan cho tôi. Khối u di căn gan đã to bằng quả dâu tây rồi. Sau đó tôi được chuyển về điều trị tại Khoa tiêu hoá Bệnh Viện Hữu Nghị. Tại đây tôi lại phải truyền HC đợt 2, cũng bao gồm 6 lần, truyền trong 5 tháng. Đó là những ngày vô cùng gian nan đối với tôi. Tóc tôi bị rụng hết, ngưòi rất yếu. Nhưng rồi 5 tháng truyền hoá chất cũng trôi qua và tôi cũng qua được. Trở về nhà, tôi lại tiếp tục làm việc, nhưng sức khoẻ đã giảm đi nhiều. Rất may tôi có những người đồng nghiệp cực kỳ tốt và những người học trò trung thành giúp đỡ tôi nên công việc quản lý và nghiên cứu khoa học vẫn diễn ra tốt đẹp. Tháng 7 năm đó tôi được chính thức thôi giữ chức chủ nhiệm khoa và chỉ còn làm tổ trưởng Bộ môn MEMS (Bộ môn Vi cơ điện tử).
6 tháng sau truyền hoá chất, tháng 9 năm 2007 trong gan của tôi lại mọc tiếp một khối u di căn mới. Lần này thì không thể mổ được nữa rồi. Rất may cho tôi, Khoa Tiêu hoá Bệnh viện Hữu nghị đã liên hệ được với Bệnh viện 108, nhờ TS Trường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ cao áp dụng phương pháp TOCE (Phương pháp nút mạch hoá dầu) để diệt khối u gan cho tôi vào tháng 10 năm 2007. Khối u lại teo đi, nhưng nó ngoan cố lắm. Chỉ 3 tháng sau, bên cạnh khối u đã teo kia lại mọc thêm 2 cái u mới nhưng vẫn còn nhỏ vì tháng nào tôi cũng đi siêu âm kiểm tra định kỳ nên phát hiện sớm. Lần này tôi không điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị nữa. Tôi quay trở lại Khoa 1C Bệnh viện Việt Đức, nơi lần đầu tiên tôi đươc TS Trịnh Hồng Sơn mổ và truyền hóa chất. Ở đây, tôi được Bác sĩ Lan Hương diệt u cho tôi bằng phương pháp tiêm cồn (tiêm cồn 100º trực tiếp vào khối u). Kiên trì trong 4 tháng (từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2008) cứ 2 tuần tôi lại đến Bệnh viện tiêm cồn 1 lần, 2 cái u nhỏ trong gan của tôi cũng bị sơ hoá và teo đi. Tôi lại sống trong vui vẻ và tràn đầy hy vọng. Mùa hè 2008 tôi cùng vợ đi nghỉ mát ở Cửa Lò, Trà Cổ, sang cả Đông Hưng Trung Quốc chơi, rồi tháng 8 tôi lại đi vào tận Đà Nẵng dự Hội thảo Khoa học. Tuy nhiên, tháng nào tôi cũng đến phòng siêu âm của Khoa 1C để Bác sĩ Lan Hương kiểm tra.
Đến đầu tháng 12 Bác sĩ Lan Hương siêu âm cho tôi và phát hiện tôi đã bị di căn nhiều hạch ở ổ bụng. Tin này làm tôi choáng váng và vô cùng lo lắng vì tôi hiểu rằng bệnh của tôi đã bắt đầu vào giai đoạn nguy hiểm. Bác sĩ Lan Hương cũng rất lo lắng cho tôi và động viên tôi hãy quay trở về Bệnh viện Hữu nghị để điều trị. Trở về Bệnh viện Hữu nghị, tôi làm thủ tục chuyển về Khoa Nội A (Khoa dành cho cán bộ cao cấp). Tôi nhập Viện ngay đầu tháng 12 . Các bác sĩ Khoa Nội A đã hội chẩn với Bác sĩ Tuyết Mai ở Viện K và đã đưa ra một phác đồ điều trị truyền hoá chất cho tôi lần thứ 3 gồm 12 lần trong vòng 6 tháng. Lần truyền hoá chất này vô cùng gian nan vất vả vì hoá chất rất nặng và tôi thì lại yếu hơn trước rất nhiều. Các bác sĩ, y tá , hộ lý trong Khoa Nội A cũng rất lo lắng cho tôi, không biết liệu tôi có đủ sức chống chọi với 12 lần truyền hoá chất hay không. Khoa Nội A đã trở thành nhà của tôi, đến nỗi 3 tháng liền tôi ở liền trong Bệnh viện, không được làm thủ tục ra Viện. Sau khi truyền được 6 lần các Bác sĩ mới yên tâm cho tôi làm thủ tục ra Viện về thăm nhà 5 hôm sau mỗi lần truyền hoá chất. Được gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò thường xuyên động viên giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất, tôi đã kiên cường chiến đấu với 11 lần truyền hoá chất, mặc dù cuộc chiến đấu ấy vô cùng khủng khiếp, và mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy sợ vô cùng. Tôi không hiểu sao mình lại có đủ ý chí để vượt qua được 11 lần truyền hoá chất ấy.
Khi chuẩn bị truyền lần thứ 12, các Bác sĩ phát hiện tim tôi có vấn đề do hậu quả của truyền hoá chất. Nếu truyền tiếp lần thứ 12 có thể sẽ nguy hiểm do tim không thể chịu đựng được. Tôi được chỉ định dừng truyền hoá chất lần thứ 12, và quay sang điều trị tim. Tuy nhiên, lúc đó vẫn có tin mừng cho tôi. Khi siêu âm kiểm tra, các hạch trong ổ bụng của tôi đã biến hết. Tôi lại lạc quan vô cùng và hy vọng rằng tình trạng này có thể kéo dài thêm độ một năm nữa thì tốt.
Giữa tháng 6 năm 2009 tôi được ra Viện trong niềm vui của cả gia đình và người thân. Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng tôi chỉ đủ khả năng tốt nghiệp “lớp 11” thôi, tôi vẫn chưa tốt nghiệp “lớp 12” (Mỗi lần truyền xong một lần hoá chất, tôi coi như đã lên được một lớp). Tháng 8 tôi lại cùng vợ đi Quảng Ninh 4 ngày để dự Hội nghị tổng kết năm học của Trường. Nhưng thực ra những ngày đó tôi cũng cảm thấy sức khoẻ không ổn lắm. Tôi linh cảm thấy bệnh của tôi lại âm ỷ tái phát trong cơ thể mình.
Cuối tháng 9 tôi lại vào Khoa Nội A nằm để tổng kiểm tra. Tôi được chỉ định chụp cắt lớp CT 64 vì sau khi truyền hoá chất tôi chưa được chụp cắt lớp để kiểm tra mà chỉ biết kết quả do siêu âm thôi. Kết quả chụp cắt lớp CT là một đòn trời giáng đối với tôi. Tôi đã bị di căn khắp cơ thể rồi. Kết luận của Bác sĩ chụp cắt lớp CT như sau: “Nhiều nốt di căn rải rác hai phổi kèm các hạch trung thất không đặc hiệu. Di căn lan toả hệ thống hạch ổ bụng và di căn gan hạ phân thuỳ VIII”. Tôi buồn vô cùng vì tôi hiểu rằng bệnh ung thư của tôi đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên cả hai vợ chồng tôi đều rất bình tĩnh, vì suốt ngần ấy năm trời chiến đấu với căn bệnh quái ác này, hai vợ chồng tôi đã bao lần phải trải qua những giờ phút găy go nhất, nhưng nhờ sự bình tĩnh và ý chí quyết tâm chiến đấu mà tôi đã vượt qua.
Những ngày nằm trong bệnh viện chờ đợi sự hội chẩn của các bác sĩ khoa Nội A với Bác sĩ Tuyết Mai (Bệnh viện K) để tìm phác đồ điều trị đối với tôi là những ngày căng thẳng vô cùng. Cả hai vợ chồng tôi đều như ngồi trên đống lửa. Không biết tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác này bằng cách nào đây? Không lẽ lại tiếp tục truyền hoá chất? Tôi cũng linh cảm thấy rằng nếu tôi tiếp tục truyền hoá chất cũng đồng nghĩa là tôi chấp nhận cái chết sẽ đến rất nhanh. Vợ tôi thì kiên quyết ngay từ đầu rằng sẽ không để tôi tiếp tục truyền hoá chất nữa và sẽ xin cho tôi ra Viện.
Ngày thứ 7 và Chủ nhật, tôi xin phép về nhà. Hôm ấy, bà Cúc (mẹ của Tùng một sinh viên cũ của tôi và bây giờ là đồng nghiệp của tôi, đang làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản) đến nhà thăm tôi và mang cho tôi một thông tin quan trọng. Bà Cúc cho tôi địa chỉ của thày Đào Kim Long và khuyên tôi hãy đến gặp thày ngay. Bà Cúc kể cho tôi nghe về trường hợp cháu gái của bà (cháu bà cũng ngoài 50 tuổi rồi) bị ung thư vú đã di căn vào phổi rất nặng. Chị ấy đã đi sang Trung Quốc và cả Singapore để chữa nhưng không khỏi. Khi về chị ấy đã rất nặng phải nằm Bệnh viện Bạch Mai và phải thở oxy liên tục. Bệnh viện khuyên gia đình cho chị ra viện để về nhà chuẩn bị lo hậu sự. Rất may có người mách cho chị đến thày Đào Kim Long uống thuốc, thật kỳ diệu thay, chỉ sau vài tuần uống thuốc của thày, sức khoẻ của chị hồi phục dần và đặc biệt là chị đã có thể bỏ máy thở oxy và đi sang hàng xóm ngồi chơi, mặc dù chị vẫn còn rất yếu. Từ dạo chị ấy uống thuốc của thày đến nay đã hơn một năm. Trước khi tôi viết đến đoạn này, vợ tôi có gọi điện cho bà Cúc để hỏi thăm thì biết rằng chị ấy vẫn còn sống, vẫn đi lại sinh hoạt bình thường, vẫn sang hàng xóm ngồi chơi và tất nhiên là không cần thở oxy liên tục như trước nữa. Tuy nhiên sức khoẻ của chị ấy vẫn rất yếu Bà Cúc nói dạo này chị đã thôi uống thuốc của thày rồi .
Quay trở lại câu chuyện của tôi. Có được địa chỉ của thày Long rồi, vợ tôi mừng quá vội đến nhà thày ngay. Rất may hôm ấy là ngày Chủ nhật, ngày khám bệnh cuối cùng trong tuần, mặc dù rất đông bệnh nhân nhưng cuối cùng vợ tôi cũng gặp được thày. (Nhà thuốc của thày chỉ làm việc vào thứ 6, thứ 7 và chủ nhật). Hoá ra địa chỉ nhà thày ở ngay trong làng gần nhà tôi, (chỉ cách khoảng 400 mét), tiếng lành đồn xa, bao nhiêu bệnh nhân ở khắp nơi đều biết tiếng thày, thế mà tôi mải “vái tứ phương”, còn “một phương” quan trọng nhất đến bây giờ Ông Trời mới chỉ dẫn cho tôi.
Khi xem hồ sơ bệnh án của tôi và nghe vợ tôi kể về tình trạng bệnh của tôi, thày nói rằng tôi bị muộn rồi, 3 lần đại phẫu thuật, 3 lần truyền hoá chất (tổng cộng là 11 tháng truyền hoá chất), cơ thể của tôi chắc yếu lắm rồi, khó lòng chữa được. Thày có vẻ bi quan cho tôi. Vợ tôi khẩn khoản xin thày hãy cho tôi uống thuốc, còn nước còn tát, chỉ cần kéo dài cuộc sống cho tôi thêm ngày nào hay ngày ấy. Được thày đồng ý, vợ tôi vội về đón tôi đến gặp thày ngay. Lúc nhìn thấy tôi vẫn còn tự đi lại được, tinh thần và thể lực cũng không đến nỗi nào, có vẻ vẫn còn đủ sức để tiếp tục chiến đấu, thầy có vẻ yên tâm hơn. Thày rất ngạc nhiên vì thấy tôi mặc dù đã trải qua ngần ấy cuộc mổ và truyền hoá chất mà vẫn còn đủ sức đi lại đàng hoàng và nói chuyện mạch lạc như vậy. Tôi rất mừng vì cuối cùng thày đồng ý chữa cho tôi. Tôi nhớ hôm ấy, mặc dù chiều muộn đã hết giờ tiếp bệnh nhân nhưng thày vẫn ngồi nói chuyện với hai vợ chồng tôi rất lâu. Thày phân tích cho tôi nghe sự khác nhau về nguyên lý chữa bệnh giữa Đông y và Tây y trong điều trị ung thư. Qua câu chuyện của thày, tôi hiểu rằng thày là một nhà khoa học chữa bệnh chứ không phải là một “thày lang” chữa bệnh như nhiều người vẫn hay nghĩ về các thày lang Đông y. Thày đã nghiên cứu về điều trị ung thư từ những năm 60 của thập kỷ trước. Tôi nghe thày nói chuyện mà sáng ra bao điều. Tôi hứa với thày sẽ sớm làm thủ tục ra Viện để về theo thày chữa bệnh.
Tối hôm ấy hai vợ chồng tôi mở Internet để tìm thông tin về thày. Khi tôi tìm “Đào Kim Long” ở Google, tôi đã vô cùng ngạc nhiên vì có bao nhiêu tài liệu viết về thày, về kết quả điều trị ung thư bằng đông y của thày. Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi đọc được thông tin rằng thày chính là người đầu tiên phát hiện ra sâm Ngọc Linh ở vùng núi Ngọc Linh cách đây gần 40 năm Tối hôm ấy, hai vợ chồng tôi đọc say sưa đến tận đêm khuya và đã thu hoạch được bao nhiêu thông tin quý giá. Điều đó càng làm tăng thêm bao niềm tin và hy vọng cho tôi. Như vậy là tôi đã tìm được phương hướng vào chính lúc mà tôi tưởng đã sắp phải đầu hàng. Tôi như người “chết đuối vớ được cọc”. Tôi nhớ tối hôm ấy, cả hai vợ chồng tôi đều mừng vui vô cùng. Chúng tôi quyết định sáng mai (Sáng thứ Hai) vào Viện sớm để xin làm thủ tục ra Viện. Tôi tự nhủ sẽ theo thày để chiến đấu với căn bệnh quái ác này đến cùng.
Vào Bệnh viện rồi, nhưng tôi lại chưa được ra ngay. Tôi nóng ruột lắm, nhưng các bác sĩ Khoa Nội A còn phải chờ đến thứ Tư hội chẩn với bác sĩ Tuyết Mai (Bệnh viện K) rồi mới đưa ra quyết định cho tôi. Kết quả là tôi được chỉ định truyền hoá chất tiếp tục, nhưng với phác đồ nhẹ hơn. Tôi đã đề nghị với bác sĩ Phượng (bác sĩ điều trị của tôi) cho tôi ra Viện để về chữa bằng Đông y vì nếu tiếp tục truyền hoá chất nữa thì tôi không đủ sức. Tôi thật không ngờ vì khi nghe lời đề nghị của tôi, bác sĩ Phượng lại vui vẻ đồng ý ngay và cho rằng tôi đã quyết định đúng. Tôi hiểu rằng chính bác sĩ Phượng cũng rất lo lắng cho tôi nếu tôi chấp nhận tiếp tục truyền hoá chất. Tuy nhiên, bác sĩ Phượng cũng giữ tôi ở lại Bệnh viện thêm hai ngày nữa để truyền hai đơn vị máu. Bác sĩ nói: “để chú có sức tiếp tục chiến đấu”. Tôi nhớ trước lúc tôi làm thủ tục ra Viện, bác sĩ Phượng đến tận giường bệnh để chào tạm biệt tôi. Tôi hỏi bác sĩ rằng: “Bệnh của tôi đã di căn rộng như thế chắc là sẽ tiến triển nhanh lắm phải không?”. Bác sĩ Phượng cũng trả lời tôi rất thẳng thắn: “Vâng, nó sẽ tiến triển rất nhanh chú ạ. Khi nào chú thấy yếu thì chú quay trở lại Bệnh viện, cũng chỉ điều trị triệu chứng thôi”. Tôi cũng hiểu ý bác sĩ rằng khi nào tôi yếu quá rồi thì quay trở lại , Bệnh viện sẽ chăm sóc cho tôi những ngày cuối cùng.
Tôi ra Viện vào giứa tháng 10 năm 2009. Một người học trò và cũng là đồng nghiệp của tôi đã cầm bộ hồ sơ bệnh án và kết qua chụp CT của tôi đến Viện K nhờ bác sĩ chuyên khoa xem hộ. Kết qua còn bi quan hơn. Bác sĩ Viện K cho rằng bệnh của tôi đã ở giai đoạn cuối cùng, dù có chữa bằng Tây y hay Đông y thì cũng không giải quyết được gì nữa. Tôi không tin vào điều đó. Ngay sau khi ra Viện, tôi đã đến ngay thày Long để xin uống thuốc của thày. Thày cắt cho tôi 3 thang thuốc và 2 lọ Linh đan thiềm ô châu. Thang thuốc của thày rất to, sắc uống trong 3 ngày. Thày nói đó là thuốc Nam Y Đạo Pháp, hoàn toàn là thuốc Nam. Do tôi bị truyền hoá chất nhiều lần nên “nội môi” của tôi bị suy yếu, từng tế bào trong cơ thể tôi bị nhiễm độc và hệ miễn dịch thì lại càng suy yếu hơn. Thuốc Nam Y Đạo Pháp sẽ giúp phục hồi lại “nội môi”, thải độc tố và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Thuốc Linh đan thiềm ô châu của thày là loại thuốc đặc biệt, được chế từ con cóc. Tôi nghĩ có lẽ đây là bài thuốc chủ công trong điều trị ung thư của thày.
Tôi kiên trì uống thuốc của thày từ giữa tháng 10 năm 2009 đến nay. Hồi tôi mới uống thuốc, thày có nói riêng với vợ tôi rằng: “Nếu ông ấy uống thuốc sau 3 tháng mà bệnh không tiến triển xấu tức là ông ấy có hy vọng sống”. Còn tôi thì lúc nào cũng tin tưởng và hy vọng rằng bệnh của tôi nhất định sẽ lui. Được biết trước kia thày đã từng là giảng viên Trường Đại học Dược, nhân ngày 20/11 năm 2009, (tức là lúc tôi mới uống thuốc được 1 tháng) mặc dù không phải là người biết làm thơ nhưng tôi đã mạo muội viết một bài kính tặng thày để tỏ lòng biết ơn thày và để thể hiện niềm tin và hy vọng sống của tôi. Làng tôi là đất trồng hoa Đào Phú Thượng nên bài thơ có tựa đề: “Xứ Đào nay có thày Đào”. Một đoạn trong bài thơ tôi viết như thế này:
Đã 10 tháng trôi qua kể từ ngày xin ra Viện, tôi vẫn sống trong niềm tin và hy vọng. Tôi uống thuốc rất đều, không nghỉ thuốc một ngày nào. Tôi cũng đã dùng sâm Ngọc Linh được 4 tháng để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ điều trị ung thư. Tôi vẫn ăn được, ngủ được và vẫn túc tắc ngồi đọc, sửa các bài báo viết chung với đồng nghiệp để đăng Tạp chí nước ngoài. Tuy nhiên, sức khoẻ của tôi hiện nay cũng không tốt lắm. Tôi rất gầy vì ăn được nhưng hấp thu kém. Gần đây tôi phải truyền thêm Albumin và một tuần 3 lần thày cho học trò của thày đến châm cứu cho tôi.
Vẫn biết rằng thuốc dù thần diệu mấy cũng chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh nên tôi cứ lạc quan sống. Mệnh của tôi là do ông Trời quyết định. Tôi còn sống được đến ngày hôm nay là đã lãi rồi. Như Đức Phật đã nói: “Đời là bể khổ trầm luân”, còn Albert Einstin thì nói đại ý: “Chết là không phải lo nghĩ gì nữa”. Tuy nhiên, cuộc sống quý giá vô cùng, ai cũng thèm cuộc sống và muốn kéo dài nó dù chỉ thêm một ngày. Thày Đào Kim Long là người đã giúp cho những người mắc bệnh nan y thực hiện được mong muốn đó. Tôi nghĩ một con người như vậy xứng đáng được xã hội tôn vinh.
Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 18/9/2010
GS. TSKH Nguyễn Phú Thùy