GHI CHÉP Y HỌC: Thầy ta chữa ung thư máu
Sốt cao không rõ nguyên nhân
Đầu tháng Tám năm 2009, đúng đỉnh điểm đại dịch cúm lợn, vì sốt cao kéo dài nhiều ngày không rõ nguyên nhân (mặc dù đã điều trị hai đợt thuốc kháng sinh – theo chỉ dẫn của bác sĩ một Phòng khám tư nhân và Bệnh viện Bưu Điện), con trai tôi được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương. Đêm thứ năm, quãng gần một giờ sáng, vừa chợp mắt được vài phút, căn phòng dịch vụ diện tích chỉ vừa kê đủ một giường bệnh và chiếc bàn nhỏ gia đình may mắn thuê được bất ngờ bị đánh thức. Cô y tá trực khẩn khoản đề nghị cho ghép thêm một bệnh nhân nặng, vì các phòng khác đã kín hai bệnh nhân một giường – kể cả hành lang.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm máu và kết quả chụp X-quang phổi, vì suy tiểu cầu cấp (hiện tượng thường xảy ra trong trường hợp sốt xuất huyết) bệnh nhân mới đến lập tức được truyền ba bịch tiểu cầu. Đó là chàng trai 25 tuổi, cao xấp xỉ mét bẩy nhăm, mái tóc đen mầu than đá, nước da trắng, gương mặt sang trọng na ná danh thủ bóng đá Anh, Steven Gerrard. Bệnh nhân đã hơn một tháng liên tục bị sốt trên dưới 38 độ C, Bệnh viện Gia Lâm truyền dịch suốt một tuần liền không có kết quả. Gia đình xin ra viện, về nhà, định hôm sau đi Hà Nội. Song đành phải cấp tốc thuê xe đưa lên Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ngay trong đêm hôm đó, bởi bệnh nhân bất ngờ bị ngã và ngất xỉu – lúc vào toa-lét.
Nằm viện hết ngày thứ năm, đã hơn chục lần lấy máu xét nghiệm, song các bác sĩ điều trị vẫn chưa xác định được thủ phạm gây sốt cho con trai tôi. Cùng lúc con tôi đã được uống và tiêm khá nhiều loại thuốc, đã ba ngày truyền dịch và liên tục chườm bằng nước ấm, đã uống hết tiêu chuẩn thuốc hạ sốt efferalgan, song vẫn sốt 39 độ, cả nhà ai cũng thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Em gái vợ tôi, một bác sĩ có kinh nghiệm đã lo lắng tiết lộ cho vợ tôi, phải chuẩn bị tinh thần nghĩ đến tình huống xấu nhất: ung thư máu – nếu một tuần không hết sốt.
May đến sáng ngày thứ sáu, nhiệt độ con tôi đã hạ xuống dưới 38 độ C và ổn định ở 37 độ C – ngay buổi chiều hôm đó. Bác sĩ điều trị tươi cười khẳng định, mấy tuần qua con trai bị sốt virus, chờ theo dõi thêm một ngày, nếu hết sốt, có thể xuất viện.
Ngay buổi tối đầu tiên trở về nhà, vợ tôi đã bấm máy hỏi thăm tình hình bệnh nhân mới thế chỗ con tôi, bởi cả nhà ai cũng ái ngại vì tình cảnh của cậu – mới ba ngày nhập viện, đã hai lần phải truyền tiểu cầu, song tình hình vẫn không hề cải thiện. Vẫn sốt dai dẳng và tiểu cầu liên tục suy giảm. Điện thoại của chủ nhân lúc nào cũng tắt. Vợ tôi đành bấm số cho người quen, một bác sĩ của Viện và được biết tin buồn: bệnh nhân đã chuyển viện vì kết quả xét nghiệm do Viện Huyết học thực hiện kết luận, ung thư máu.
Tôi chợt nhớ đến trường hợp “sốt dài ngày không rõ nguyên nhân” đã biết trước đó hơn bốn năm. Ông là một linh mục cai quản một xứ đạo lớn. Bệnh nhân lâu năm của Viện Huyết học, Bệnh viện Bạch Mai. Sau thời gian dài điều trị, đã tìm được người cho tủy hợp với hệ miễn dịch, song vì thời đó ở Hà Nội chưa có cơ sở nào đủ điều kiện kỹ thuật để thực hiện ca cấy ghép, ông đã vào thành phố Hồ Chí Minh. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, song chưa đầy hai năm sau bạo bệnh lại tái phát. Qua báo chí, ông đã tìm đến dược sĩ-lương y Đào Kim Long, một thầy thuốc chữa bệnh theo trường phái Nam Y (nền y học thuần Việt, sử dụng thảo dược và y pháp Việt) và điều trị đã có kết quả khả quan.
Tôi đã trực tiếp trò chuyện qua điện thoại với linh mục. Ông thực thà khuyên tôi, riêng trường hợp của ông, chỉ nên viết về bài thuốc chữa bệnh sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân của thầy Long; chưa viết về bài thuốc chữa ung thư máu bởi mấy lý do. Thứ nhất, trước khi uống thuốc của thầy Long, ông đã uống rất nhiều loại thuốc khác và đã ghép tủy.
Và ông kể về bệnh sốt của mình và bài thuốc kỳ diệu. “Nhiều hôm làm lễ Thánh, lưng áo tôi ướt đầm – vị linh mục kể – người ngoài cầm tay tôi đều bảo lạnh, song bản thân tôi thấy nóng như hòn than. Đã uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi. Uống hết ba thang thuốc của thầy Long, bệnh sốt đã hết”. Phấn khởi, vị linh mục tiếp tục điều trị theo trường phái Nam Y.
Bẵng đi vài ba năm, đầu tháng Tư vừa rồi, nhân có việc gặp lương y Đào Kim Long, tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của vị linh mục, được biết, ông đã chuyển sang điều trị bằng biệt dược mới của Mỹ. Thế nhưng đến cuối tháng Sáu vừa rồi, em gái vị linh mục đã phải quay về thầy Long. Bệnh nhân năm xưa lại bị bệnh sốt không rõ nguyên nhân tái phát. Cơ thể mệt mỏi, đau đầu, táo bón…
"Phấn đấu vượt qua đuôi Bẩy"
Chập tối một ngày cuối năm 2004. Cả nhóm các cụ lão làng đang cười nói rôm rả bên chiếu tổ tôm ở nhà trưởng thôn Dị Sử (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) bỗng nhiên mất hứng vì sự xuất hiện đột ngột ào đến hệt cơn gió của bà Điệp – phu nhân lương y Đào Kim Long, bà dẫn theo một người đàn ông lạ mặt. Người lạ đi xe hơi từ Hà Nội tìm đến thầy thuốc, ấp úng trình bầy: “Thầy cố gắng giúp gia đình. Ông cụ nhà em nằm viện đã nhiều tuần, cả nhà gần hai chục người, chỉ còn người cuối cùng còn máu có đủ tiêu chuẩn tiểu cầu để truyền cho cụ”.
Đã tối, lại không có bệnh nhân, ông Long vô tình khuyên người đàn ông, cứ về nhà, sáng mai sẽ trả lời. Thế nhưng ngay giữa đêm hôm ấy, sau khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án, lương y đã phải gọi điện ngay cho người đàn ông (một “đại gia” trong ngành kinh doanh vật liệu kỹ thuật điện ở Hà Nội), nhắn sáng mai lên nhà ông để lấy thuốc về sắc cho cụ uống. Bệnh nhân 74 tuổi (bố người đàn ông) bị bệnh ung thư máu đang điều trị Tây Y.
Bởi phương pháp chữa trị căn bệnh này của Nam Y phải dựa vào khâu tiếp máu của Tây Y – (vì máu ngoại vi đã bị rối loạn, không còn đủ điều kiện làm nhiệm vụ trong hệ tuần hoàn. Có thể truyền máu thông thường hoặc tách rời các thành phần theo yêu cầu cụ thể để truyền riêng tiểu cầu, hồng cầu hay bạch cầu. Việc truyền máu chỉ có tác dụng duy trì sự sống, không thể chữa ung thư máu) – nên ông Long khuyên, cứ để cụ tiếp tục nằm viện, đồng thời hàng ngày bí mật mang thuốc sắc ở nhà cho cụ uống. Đợi khi nào xuất viện sẽ thăm khám, điều chỉnh phác đồ điều trị.
Nghiên cứu hồ sơ bệnh án và trực tiếp thăm khám, khi bệnh nhân đã xuất viện, ông Long khẳng định, ngoài tiếp tục uống theo phương thuốc Kỳ Môn Y Pháp, bệnh nhân cần được bổ sung nhân sâm Ngọc Linh – thảo dược Việt Nam đặc biệt quý hiếm chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam và một phần tỉnh Kon Tum), để củng cố hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe cơ thể. Vì cơ sở của ông Long thỉnh thoảng mới có hàng và khả năng cũng chỉ giới hạn vài ba lạng, đầu năm 2005 – biết hơn ba mươi năm trước, DS-lương y Đào Kim Long chính là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên tìm ra sâm Ngọc Linh (tháng 3/1973), lại thông thạo địa hình, con trai bệnh nhân đã khẩn khoản yêu cầu thầy Long tạm nghỉ làm việc mươi ngày, cùng anh vào các địa phương trên để tìm mua sâm Ngọc Linh.
Áp Tết năm 2008, hơn ba năm kiên trì uống thuốc thầy Long lại có sự tiếp sức của hàng chục kilôgam sâm quý Ngọc Linh, sức khỏe của “lão bệnh nhân” hồi phục nhanh chóng. Cùng con trai mang bức chân dung người thầy thuốc đã cứu sống mình ghép bằng đá quý diện tích ngót một mét vuông (hiện vẫn treo tại Phòng khám) tặng ân nhân, người bệnh chân thành tâm sự:
“Năm xưa, ngày thầy bắt đầu cắt thuốc cho tôi, tôi từng bầy tỏ nguyện vọng, “mong thầy giúp tôi phấn đấu vượt qua đuôi Bẩy”, nay tôi đã bẩy mươi tám tuổi, tôi lại mong thầy giúp tôi thực hiện điều ước thứ hai: – Mong thầy giúp tôi vượt qua đầu Tám!”.
Nghe nguyện vọng chân thành của bệnh nhân cao tuổi, ông Long nheo mắt cười, lễ phép đáp lời: “Tôi sẽ cố gắng. Chúc cụ đạt được điều ước thứ hai”. Nói thế, nhưng ngay hôm sau, biết chuyện cụ đã hơn một năm sống buông thả – ngày nào cũng xe máy rong ruổi khắp thành phố, thỉnh thoảng lại rượu-thịt chó xả ga, ông Long đã nhắn con trai cụ, khuyên cụ sống điều độ, bởi sẽ không thể sống đến tám mươi tuổi. Anh con trai buồn rầu trả lời, con đã nhiều lần nhắc nhở, song cụ không nghe. Y như lời tiên đoán, giữa năm 2009, cụ đã qua đời, thọ 79 tuổi.
Từ chuyện “ngã nước” – sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân đến “lò ấp sinh học” và ung thư máu
Cuối thập kỷ 60 – đầu thập kỷ 70, trong thời gian vượt qua bao trận mưa bom, bão đạn – đi dọc hai sườn dãy Trường Sơn điều tra sưu tầm cây thuốc thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, có cơ hội sống gần đồng bào nhiều dân tộc, cán bộ giảng dạy trường Đại học Dược Hà Nội, dược sỹ Đào Kim Long đã phát hiện được nguyên nhân không ít căn bệnh nguy hiểm và kinh nghiệm chữa trị đơn giản, song đặc biệt hiệu quả. Một trong số đó là bệnh “ngã nước”.
Từ những năm 50, thế kỷ trước, ở quê mình (tỉnh Hưng Yên) thỉnh thoảng ông vẫn chứng kiến cảnh một số người trở về nhà sau thời gian lên miền múi làm ăn buôn bán bỗng nhiên mắc bệnh “ngã nước” – cơ thể mệt mỏi, suy sụp không thể cứu chữa sau thời gian dài sốt liên tục. Đến miền núi tỉnh Kon Tum, thấy không ít bà con dân tộc cũng mắc bệnh “ngã nước” trong thời gian tắm suối hoặc đi làm rừng, song không ai tử vong vì căn bệnh này – nếu được cứu chữa kịp thời.
Bí quyết rất đơn giản: đánh gió người bệnh bằng cám gạo rang nóng. Thực ra “ngã nước” là hiện tượng “cảm nước” (cảm lạnh) do cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột sau khi tắm nước lạnh hoặc bị nhiễm khí lạnh lúc vào rừng sâu, đi qua bãi tha ma, lúc sang cát (cải mả), khi khâm liệm người chết…Triệu chứng người sốt, chân tay lạnh, cơ thể rã rời, mọi phương thuốc hạ sốt thông thường đều vô hiệu. Với trường hợp nạn nhân bị sốt như thế, đồng bào dân tộc chỉ cần rang nóng vài nắm cám gạo, sau đó lấy mảnh vải bọc lại và trà khắp thân thể – đến lúc cả người ấm lên. Đước cấp cứu như thế, không thấy ai bị tử vong vì “ngã nước” như ở quê ông.
Trở lại quê hương cuối thập kỷ 70, hành nghề một lương y tự do, nhiều đêm ông Long mất ngủ tìm kiếm tài liệu nghiên cứu nguyên nhân một số trường hợp tử vong vì “ngã nước” sau thời gian sốt cao, mạch suy, nước da trắng bệch hoặc xanh ngắt, các thầy lang Đông Y chẩn đoán “bệnh đã ăn vào tủy xương, không thể cứu chữa”, các bác sĩ Tây Y kết luận “nạn nhân bị ung thư máu”.
Theo Tây Y, bệnh xuất hiện khi bạch cầu trong cơ thể tăng đột biến. Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định, nhưng có thể là do các tác động của môi trường như ô nhiễm hóa học hay nhiễm chất phóng xạ, hoặc có thể do di truyền. Bạch cầu vốn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, nên chúng “ăn” cả hồng cầu, khi số lượng chúng đột biến phát triển quá nhiều, khiến bệnh nhân bị thiếu máu, dẫn đến tử vong.
Các phương pháp điều trị của Tây Y chủ yếu được thực hiện theo hai hướng: dùng hóa chất tiêu diệt bạch cầu hoặc thay tủy xương “tàn phế” đã mắc bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh của đối tượng phù hợp.
Trái với Tây Y chưa xác định được nguyên nhân ung thư máu (bệnh máu trắng), dựa vào kinh nghiệm thực tế và kế thừa văn hóa chữa bệnh ngàn năm của tổ tiên trên đất Việt, lương y Đào Kim Long cho rằng, bệnh có nguyên nhân từ tủy xương. Tủy xương có cấu tạo như một lò ấp sinh học. Các tế bào gốc tạo máu giống như “trứng” được ấp trong lò ấp đặc biệt này. Với người khỏe mạnh, các điều kiện tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng…đảm bảo, sẽ cho ra đời thế hệ máu tối ưu. Sản phẩm máu sinh ra sẽ bị rối loạn – tương tự như tỷ lệ trứng gà vịt bị “ung” cao – trường hợp một trong những điều kiện môi trường tiêu chuẩn không đạt yêu cầu, thí dụ nhiệt độ cơ thể tăng đột biến do “sốt không rõ nguyên nhân” như “cảm nước” kéo dài. Khi ấy tỷ lệ bạch cầu non – tế bào lạ Blast trong máu tăng cao khổng thể kiểm soát.
Xác định thủ phạm ung thư máu là tủy xương – “lò ấp sinh học” bị hư hỏng do nhiệt độ cơ thể tăng cao kéo dài và do nội môi (môi trường cơ thể) bị ô nhiễm, ông Long đi đến kết luận: muốn điều trị có kết quả căn bệnh phải tìm ra những thảo dược có khả năng giải quyết ba vấn đề chính. Thứ nhất, lập lại trang thái cân bằng cơ thể (trường hợp bệnh nhân vẫn bị sốt); Thứ hai: làm sạch nội môi (đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể); Thứ ba: phục hồi và củng cố hệ miễn dịch và thể lực các cơ quan nội tạng.
Kiên trì học hỏi và không ngừng cải tiến phương pháp điều trị dựa vào nền tảng đơn thuốc theo Kỳ Môn Y Pháp, đến nay dược sỹ-lương y Đào Kim Long đã cứu giúp không ít người thoát khỏi bệnh hiểm, kéo dài cuộc sống.
Ngọc Báu
Theo Tri Thức Trẻ số 9/2010