GHI CHÉP KHOA HỌC: Người ung thư thích làm thơ

– “Tôi vẫn làm thơ đều, vừa xong bài thứ hai trăm…”

Ông Chu Bá Phồn tại phòng khám cơ sở Nam Y Đạo PhápÔng Chu Bá Phồn (66 tuổi, thôn Đông Long, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) người bị phát hiện ung thư phổi từ tháng Ba 2009, hồn nhiên trả lời, ngay khi nhận được cú điện thoại hỏi thăm sức khỏe của tôi.

Vì ham muốn tìm hiểu về căn bệnh hết sức nguy hiểm, đã vài ba tháng tôi quan tâm đến trường hợp khá đặc biệt của ông. Ngoài người anh cọc chèo (chồng chị gái vợ tôi ở Nha Trang, trẻ hơn ông Phồn 11 tuổi tính vào thời điểm phát hiện ra bệnh) tôi còn biết ba trường hợp khác ở Hà Nội (bà Hồng, bà mợ họ ngoại nhà tôi ở phố Thuốc Bắc, đại tá Cư-anh họ bên nhà vợ và bà Tuyết hàng xóm) cũng không may mắc bệnh y hệt ông Phồn – ung thư phổi giai đoạn cuối, đã có dấu hiệu di căn. Ba trường hợp sau xấp xỉ tuổi ông Phồn và ông anh tôi đều được chữa trị bằng những phương pháp Tây y hiện đại nhất, song không ai kéo được cuộc sống dài hơn sáu tháng. Riêng ông Phồn chỉ uống thuốc y học dân tộc, đã gần một năm (tính đến thời điểm tôi viết bài này) – vẫn sống khỏe. Vì thế tôi quan tâm đến ông.

Xin kể chi tiết về trường hợp ông anh cọc chèo của tôi. Sau thời gian khá dài ho khan, tức ngực và người hâm hấp sốt, cuối tháng Bẩy 1998, các bác sĩ Bệnh viện thành phố Nha Trang khám và chẩn đoán: ung thư phổi. Phần vì chưa tin, phần nghĩ, nếu chính xác – ở thủ đô điều trị vẫn tốt hơn, anh tôi quyết định ra Hà Nội gấp. Nhờ quen biết, anh tôi được đích thân vị chuyên gia hàng đầu về các bệnh phổi, giáo sư-bác sĩ Nguyễn Việt Cồ, viện trưởng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương khám lại. Kết quả đúng như chẩn đoán của các đồng nghiệp ở Nha Trang, chỉ có chi tiết mới: vì khối u đã ăn vào cuống phổi, nên không thể phẫu thuật, cắt bỏ. GS. BS Nguyễn Việt Cồ giới thiệu anh tôi sang Bệnh viện K (Hà Nội), để xạ trị (tiêu diệt khối u bằng tia xạ), người thầy thuốc dầy kinh nghiệm đã nhiều năm coi bệnh nhân như người thân cũng thật thà khẳng định riêng với chúng tôi, đó là hy vọng cuối cùng.

Theo phác đồ điều trị của các bác sĩ Bệnh viện K, trước hết anh tôi phải thực hiện sáu liều xạ trị (ba ngày một liều). Nhưng mới hết liều thứ ba, anh tôi đành phải bỏ dở vì lả người và không còn sức chịu đau. Tệ hơn, tình trạng ho khan ngày càng trầm trọng, thậm chí nhiều lúc khạc ra máu, các khối u kích cỡ xấp xỉ quả nhót nổi khắp người. Tây y bó tay, chẳng lẽ buông xuôi?

Tôi đưa anh đến gặp giáo sư-tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, nhà khoa học được mệnh danh như “Từ điển sống cây thuốc Việt Nam”. Không ai bảo, cả hai anh em chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm, khi nhà dược học học lừng danh tài đức nở nụ cười phúc hậu ân cần lên tiếng, sau khi đã bắt mạch và hỏi anh tôi khá nhiều vấn đề liên quan đến thân nhân, tiểu sử bệnh tình. Giáo sư nói, đại ý, anh mắc bệnh hiểm, song nhờ nền tảng thể chất cơ thể tốt (anh tôi cao mét bẩy nhăm, lúc ấy vẫn còn trên 65 kg), lại còn trẻ (54 tuổi), nên hy vọng, có thể vượt qua.

Đúng hẹn, chiều hôm sau tôi quay lại nhà giáo sư lấy thuốc. Ông đưa cho tôi một miếng cao mầu nâu nhạt gói bằng giấy bản, nhỉnh hơn bao diêm một chút và chai nước mầu vàng chanh một lít, rồi chậm rãi giảng giải: “Anh chú ho ra máu vì phổi đã có chỗ bị chấn thương, miếng cao tôi lấy của người quen, có tác dụng cầm máu, làm lành vết thương; chai thuốc do tôi sắc từ một số thảo dược. Cao chia làm ba, thái lát mỏng, mỗi ngày nhâm nhi một phần, “chiêu” bằng nước thuốc trong chai. Tôi không đảm bảo, bài thuốc này chữa được ung thư phổi, song chắc chắn trị khỏi ho và cầm được máu”.

Ngay hôm đầu tiên ăn cao và uống thuốc của giáo sư Lợi, sau nhiều đêm gần như thức trắng vì ho, lần đầu tiên anh tôi đã ngủ đẫy giấc, sáng dậy thỉnh thoảng còn húng hắng ho, song đã hết ra máu. Cả nhà ai cũng mừng.

Đang cuối hè, trời oi bức, điện Hà Nội chập chờn, lúc có lúc không, sinh hoạt thường nhật thật khó chịu. Sau ba tuần liên tục điều trị theo cách mới, ăn được ngủ được, da dẻ hồng hào trở lại, anh tôi quyết định trở về Nhà Trang, để tránh cái oi bức của Hà Nội. Mọi người úng hộ, bởi nhà anh ở gần bãi biển, mùa hè vẫn thông thoáng, mát mẻ. Tôi đảm vào việc cung cấp thuốc cho anh.

Trở lại chuyện ông Chu Bá Phồn. Sinh năm 1944, tháng 3/1967 đang lúc cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam bước vào giai đoạn căng thẳng, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng máy bay của Mỹ ngày càng ác liệt, thầy giáo dạy văn cấp hai, 23 tuổi, Chu Bá Phồn xung phong đi bộ đội. Sau ba tháng luyện tập, ngay trong năm đó anh cùng đồng đội được vào chiến trường Cam Lộ (Quảng Trị) chiến đấu. Trong chiến dịch Mùa Xuân năm 1968, không may anh bị thương nặng và thời gian sau phải đưa ra Thanh Hóa điều trị. Vì thể lực kém, không đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ trong quân đội, đầu năm 1971 anh được xuất ngũ, về quê. Ngay trong năm ấy, anh lính trẻ lỡ nghiệp nhà binh chọn cô công nhân xí nghiệp bánh kẹo Hà Bắc, người cùng xóm, trẻ hơn mình tám tuổi làm vợ.

Cuộc đời có lẽ đã mang lại cho ông nhiều may mắn nhất trong hai lĩnh vực: đường con cái và may mắn vượt qua bệnh hiểm.

May mắn đầu tiên, bản thân ông là con trai duy nhất, nhưng “trời cho” vợ chồng ông tới 5 anh con trai (con đầu sinh năm 1972, con cuối -1982), tất cả đều có việc làm (3 công nhân ở Bình Dương, Thủ Đức và Tp. Hồ Chí Minh; 2 buôn bán tại quê), và đều đã có gia đình riêng; tính đến năm 2010, ông đã có 8 cháu nội (6 trai, 2 gái).

Ông gặp khá nhiều lận đận trên con đường sự nghiệp. Sau hy vọng lập nghiệp nhà binh không thành, ông quay lại nghề dạy học, song vì không đủ kiên nhẫn vượt qua khó khăn vật chất thời đất nước chiến tranh và mới hòa bình, ông chuyển sang ngành thủy lợi, nhưng cũng không trụ được đến ngày đủ thâm niên hưởng chế độ hưu trí. Con nhà nông, ông đã sớm trở về phận nhà nông. Riêng về sức khỏe, tuy không to người, song từ bé không ông không mắc bệnh gì trầm trọng, ngoài tật nghiện thuốc lá.

Đầu tháng Ba/2009, sau nhiều ngày ho khan, sốt nhẹ vào buổi chiều, rồi sốt cao miên man suốt bốn ngày đêm, ông phải vào cấp cứu truyền huyết thanh tại Bệnh viện 110 (Đáp Cầu, Bắc Ninh). Các bác sĩ ở đây sau khi thăm khám, chụp X-quang và tiến hành các xét nghiệm cần thiết khác kết luận: đã khá lâu ông bị ung thư phổi.

Sau 20 ngày nằm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, các bác sĩ điều trị đã cho ông Phồn xuất viện với đơn thuốc (Aslem 0,3 mg x 10 ống, 3 ngày tiêm bắp 1 ống; Thymoren 80 mg x 60 viên, ngày uống 2 viên chia 2 lần và sụn cá mập x 100 viên, ngày uống 4 viên chia hai lần). Theo lời ông, các bác sĩ khẳng định, không thể thực hiện giải pháp phẫu thuật, cắt bỏ khối u vì khối u đã ăn vào cuống phổi và cơ thể ông quá suy yếu (chỉ còn 42 kg trọng lượng); cũng không thể xạ trị bởi vị trí khối u không cho phép tiến hành giải pháp này; chỉ còn giải pháp hóa trị (truyền hóa chất vào cơ thể để tiêu diệt khối u). Không có bảo hiểm y tế, lại nghe nói chi phí cho sáu đợt lên tới vài chục triệu (chưa kể tiền các loại thuốc bổ sung đi kèm) – hoàn cảnh kinh tế gia đình không thể trang trải, ông đành phải xin xuất viện.

Về nhà ngày 24 tháng Ba, ngay hôm sau ông trở lại Bệnh viện 110, gặp người quen để tham khảo, mong tìm cách giải quyết khác. Thông cảm hoàn cảnh trớ trêu của ông, có người khuyên ông lên Lục Nam (cùng tỉnh Bắc Giang), hỏi kinh nghiệm bà Cọ đã khỏi ung thư phổi nhờ uống thuốc y học dân tộc. Qua bà Cọ, ông Phồn có địa chỉ thầy thuốc, dược sĩ-lương y Đào Kim Long.

Tận thấy người cùng cảnh ngộ, không đủ tiền chữa trị Tây y, chỉ uống thuốc Nam nay khỏe mạnh bình thường, hết tâm trạng chán đời, ông Phồn phấn chấn nhờ người nhà tìm đến thầy Đào Kim Long.

Ngày 11 tháng Tư, sau khi được lương y bắt mạch, chẩn trị và tham khảo hồ sơ bệnh án, ông quyết định mua 5 thang thuốc (cắt theo Kỳ môn y pháp) và 2 lọ linh đan Thiềm ô châu (sản phẩm bí truyền tinh chế từ con cóc) để uống thử. Uống hết đợt “thử nghiệm” thấy ăn ngon miệng, ngủ say, cảm giác người khoan khoái, khỏe lên, đều đặn cứ sau hai-ba tuần ông lại tìm đến thầy Long tiếp tục bốc thuốc.

Gần ba tháng sau, ông phấn khởi, gần như không tin vào mắt mình, khi đọc kết quả xét nghiệm CT ngực, thực hiện tại Khoa Chẩn đoán Hình ảnh (Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi TU): ngoài phổi phải và trái có nốt nhỏ vùng đáy, tất cả các chỉ số còn lại đều mỹ mãn (Thành ngực không thấy bất thường; Màng phổi không có dịch; Bóng tim không thấy bất thường, Trung thất không thấy bất thường; Khí quản, phế quản gốc hai bên thông thoáng). Khối u đã biến mất!

Niềm vui không bờ bến bất ngờ ập đến, khơi dậy sở thích làm thơ đã vài ba tháng ông bỏ quên vì trăm mối u sầu bệnh hiểm. Trong bài “Thơ cảm ơn” gửi ân nhân của mình – lương y Đào Kim Long, có đoạn ông chân tình tâm sự:

“Tưởng rằng, chịu chết mà thôi
Đã ung thư chẳng có người nào qua
Nẫu lòng, tôi chẳng nói ra
Mình chịu hơn để cả nhà phải đau.
Tin lành – Nghĩa nặng – Tình sâu
Điều tôi mong muốn đã lâu lắm rồi
Danh sư chữa bệnh tuyệt vời
Đào Kim là họ, Long thời là tên
Đúng là: “Danh bất hư truyền”
Thầy Long chữa bệnh thuốc tiên nào bằng.
Thầy dùng biệt dược linh đan
Uống vào khỏi bệnh nguy nan hiểm nghèo
Ngày đến tôi phải người dìu
Nay về xe máy vèo vèo tôi phi
Bắc Giang đâu có xá gì
Bốn mươi cây số tôi đi một giờ
Thực tâm tôi cũng không ngờ
Tưởng như mình vẫn còn mơ hôm nào…”

Đúng ngày giỗ thứ 11 ông anh cọc chèo, qua điện thoại, biết ông Phồn khỏe mạnh bình thường, thỉnh thoảng vẫn đi xe máy về Hà Nội, lại hồn nhiên “khoe” đã làm được bài thơ thứ hai trăm (theo các chuẩn mực nghệ thuật, có thể chưa thể đạt, song vẫn đáng trân trọng), tôi lại bất giác chạnh lòng tiếc nuối phận mỏng của ông anh xấu số. Mặc dù sở hữu nền tảng thể chất và cơ sở kinh tế hơn hẳn ông Phồn, lại trẻ hơn, nhưng chỉ sau hơn ba tháng rời Hà Nội, sau nhiều ngày vật vã (mặc dù đã được tiêm moóc-phin liều cao), ông anh của tôi đã trút hơi thở cuối cùng, không thể vượt qua ngưỡng tuổi 54.

Ghi thêm: Dược sĩ-lương y Đào Kim Long chính là học trò của giáo sư-tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

Thông tin

Ung thư phổi là chứng bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư tấn công nam giới và chiếm 20% tổng số các loại bệnh ung thư. Trên 90% các trường hợp ung thư phổi có nguyên nhân liên quan đến thuốc lá.

Ngọc Báu