Nam Y

Nam Y là văn hóa chữa bệnh của các dân tộc Việt Nam. Cũng tương đồng với mọi nền văn hóa chữa bệnh khác, Nam Y bắt đầu được xây dựng từ nền y học dân gian Việt Nam.

Các dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm trước cư trú trên một vùng lãnh thổ rộng lớn – đất của vua Hùng ở Nam Giao. Đất ấy Bắc giáp Ba Thục, tức Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay (Theo Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn), đất ấy kéo dài mãi về phía Nam đến Giao Chỉ mới kết lại thành châu thổ rộng lớn.

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, xây dựng hoàng đồ, đế nghiệp của dân tộc trải dài trên một vùng lãnh thổ có nhiều tài nguyên thiên nhiên và rất đa dạng sinh học. Động thực vật từ nhiều miền lãnh thổ khác nhau di cư và quần tụ tại đất này qua sự thay đổi biến động của thời tiết gió mùa và địa hình địa lý. Điển hình là hệ động thực vật từ Hoa Nam đi theo các dòng sông Hồng Hà, Cửu Long (Mêkông) và gió mùa Đông Bắc; hệ động thực vật từ Ấn Độ và Malaysia theo đất, nước và gió mùa Tây Nam giao thoa với động thực vật đặc hữu bản địa làm cho Việt Nam có rất nhiều loài động thực vật cư trú và sinh sống từ vùng đồng bằng châu thổ đến các vùng núi cao. Với hàng nghìn cây số bờ biển tiếp giáp với biển và đại dương có nhiều loài động thực vật biển và ven biển. Chính vì vậy mà thiên nhiên đã mang lại cho dân tộc Việt Nam nguồn động thực vật làm dược liệu vô cùng phong phú.

Các dân tộc Việt Nam sống trên các vùng tiểu khí hậu khác nhau, thích nghi khác nhau theo kinh nghiệm bản thân, gia truyền và dân gian đã tìm cho mình các loại cây con khác nhau để chữa bệnh. Những kinh nghiệm ấy đã được tổng hợp và đúc rút thành kho tàng y học dân gian, y học dân tộc vô cùng phong phú. Có 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, thì dân tộc nào cũng có một nền văn hóa chữa bệnh đặc sắc riêng của mình. Mỗi bước đi của chúng ta trên mọi vùng miền đều có thể bắt gặp các cây thuốc và con vật làm thuốc.

Chính sự phong phú về các hệ động thực vật trên đất nước Việt Nam trong quá trình lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước của tổ tiên ta, với kinh nghiệm y học dân gian phong phú và truyền thống y học dân tộc đầy bản sắc, tất cả các yếu tố ấy đã tạo ra nền văn hóa phòng bệnh và chữa bệnh thuần Việt được gọi là Nam Y.

Theo truyền thuyết dân gian thì ông tổ đầu tiên của Nam Y chính là Chử Đồng Tử, một vị Thánh trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam. Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung và công chúa Tây Sa là những thầy thuốc có tài đã dùng thuốc Nam chữa bệnh và chống dịch cho dân, đồng thời đã chữa bệnh cho cả vua Hùng. Cho đến nay, đền thờ Chử Đồng Tử được xây dựng ở nhiều nơi bên đầm Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và hai bà Tiên Dung và Tây Sa công chúa

Từ thời các vua Hùng dựng nước cho đến thời Lý – Trần, Nam Y đã trở thành một nền y khoa mạnh vào bậc nhất thế giới đảm nhận được trọng trách hậu cần chữa trị các bệnh do thương đao, cháy nổ, dịch bệnh và thảm họa chiến tranh cho ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đại thắng.

Ông tổ thứ hai của Nam Y là Nguyễn Bá Tĩnh – Tuệ Tĩnh (1330 – 1400) với hai trước tác còn lại đến nay là “Hồng nghĩa giác tư y thư”“Nam dược thần hiệu” và câu nói nổi tiếng:

“Tôi tiên sư kính đạo tiên sư
Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”

Đền Bia thờ Thái Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh, Nghĩa Phú, Cẩm Giàng, Hải Dương
Theo truyền thuyết, vì giỏi nghề thuốc nên Tuệ Tĩnh bị cống sang triều Minh, Trung Quốc. Ông đã chữa bệnh cho nội cung triều Minh và quan lại Trung Quốc và mất ở đó. Hiện nay còn nhiều đền thờ Tuệ Tĩnh ở nhiều nơi: Đền thờ đầu tiên thờ ông là ở An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng và Đền Bia ở Cẩm Giàng, Hải Dương.

Ông tổ Nam Y thứ ba có thể nhắc tới là Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi. Người thầy thuốc Tây học xuất sắc đã bắc chiếc cầu lớn nối dược học Việt Nam vào nền dược học hiện đại bằng tác phẩm “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, được Hội đồng Khoa học tối cao Liên Xô (Nga) công nhận học vị Tiến sĩ khoa học năm 1968 và được đánh giá là một trong 7 viên ngọc quý của triển lãm sách quốc tế tại Matxcova năm 1983. Cuốn sách này cũng được Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam – Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật năm 1996.

GS.TS. Đỗ Tất Lợi và Dược sĩ, Lương y Đào Kim Long

Hơn 4000 năm lịch sử tính từ thời các vua Hùng dựng nước, giữ nước chống giặc ngoại xâm Ân, Thương, Đông Hán, Nam Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… đến chống đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ và đến nay Nam Y vẫn giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Hiện nay, bộ Y Tế chủ trương nêu cao khẩu hiệu: “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn” để bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Nam Y từ thời Tuệ Tĩnh đã bắt đầu tiếp thu tinh hoa Trung Y và đến hiện nay lại được tiếp thu tinh hoa của nền y học hiện đại. Lâu đài kỹ vĩ lung linh đầy châu ngọc của nền y học dân tộc Việt Nam được tiếp thu tinh hoa y học thế giới, với ánh sáng rực rỡ của y học hiện đại – Nam Y sẽ trở thành “cây đèn thần” trong tay các thầy thuốc Việt Nam.

Với nền Nam Y hiện đại, chúng ta có thể giải quyết rất nhiều bệnh tật có liên quan đến chuyển hóa cơ bản vật chất và biến đổi do ô nhiễm nội môi theo quy luật bảo toàn năng lượng và quy luật biến đổi sinh học để giúp người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo khỏi bệnh và có lại sức khỏe bình thường.

Tất cả các nền y học trên thế giới Tây Y và Trung Y đều có bốn điểm tương đồng:
– Y đạo
– Y lý
– Y pháp
– Y thuật

Y đạo và Y lý là hai điểm hỗ trợ và tiếp thu của các nền văn hóa y khoa khác để hoàn chỉnh cho Y đạo và Y lý của Nam Y. Chúng ta xây dựng Y pháp và Y thuật riêng để cùng với các nền y khoa khác bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bè bạn quốc tế trong thời đại hội nhập toàn cầu. Muốn làm được như vậy, các thầy thuốc Nam Y phải luôn nhớ lời dạy của sư tổ Tuệ Tĩnh, phải “kính đạo tiên sư” của tất các nền y khoa khác trên thế giới và đừng quên không ngừng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển Y pháp, Y thuật Nam Y để góp sức vào công cuộc phòng và chữa bệnh cho dân ta và bạn bè quốc tế.

Khi đã thấm nhuần Y đạo của Nam Y, hiểu sâu sắc Y lý, vận dụng giỏi Y pháp và Y thuật, thầy thuốc Nam Y có thể tranh chấp cái sống chết với tử thần, có thể tranh chấp tuổi thọ với mệnh số, thỏa được lòng mong đợi của các y tổ ngàn đời là mong cho dân khỏi chết oan, chết uổng và chết non, chết yểu.

Tags: