Dành trọn cuộc đời cho y học thuần Việt – NAM Y

Dù đã ở tuổi “ngoại thất tuần” nhưng ông vẫn theo đuổi đam mê tiếp nối sự nghiệp y dược ngàn năm của đất Việt, với ước nguyện sáng lập Nam Y Đạo Pháp, đó là Dược sỹ – Lương Y Đào Kim Long.

Người tìm ra Sâm Ngọc Linh
Chúng tôi đến gặp Dược sỹ – Lương y Đào Kim Long vào một ngày cuối tháng 5. Với nụ cười hiền từ, khuôn mặt phúc hậu, ông vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Nhìn ông vẫn rất hoạt bát và minh mẫn, không ai nghĩ ông đã bước sang tuổi 70. Khi được hỏi lý do ông theo học ngành Y Dược và gắn cuộc đời mình với Nam Y, đặc biệt dành nhiều công sức nghiên cứu về căn bệnh ung thư, ông trầm ngâm một lúc rồi kể: “Xuất phát từ nỗi đau trong gia đình tôi. Mặc dù gia đình có nghề làm thuốc, song mọi người đều bất lực chứng kiến cảnh em gái tôi mới 16 tuổi chết dần vì bệnh tim. Với hy vọng học những kiến thức khoa học khả dĩ giúp những người như em gái tôi chiến thắng bệnh tật, tôi quyết tâm thi vào trường Đại học Y Dược Hà Nội. Nói vậy, song thực tế cho đến khi trở thành sinh viên, tôi vẫn chưa hình dung được cụ thể con đường tiếp theo của ḿình sẽ như thế nào. Mãi đến một hôm tại thư viện Nhân dân (thư viện Quốc gia ngày nay), tình cờ tìm được 6 tập sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi, cho dù vẫn chưa được học thầy, chưa biết mặt thầy thế nào, song tôi đã vô cùng khâm phục và tự đặt cho mình mục tiêu phải học bằng được nghề Y Dược. Rồi đến năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tôi được chứng kiến một phụ nữ người dân tộc Tày bị ung thư, cánh tay chị phù nề, phình to như quả bí. Chụp X-Quang chỉ có một khối trong suốt, tất cả xương đã bị con bệnh ăn sạch! Thời đó thiếu thốn mọi thứ, kể cả kiến thức về bệnh ung thư. Chắc chị ấy không sống được bao lâu, hình ảnh cái cánh tay khủng khiếp ấy bám riết tôi trong nhiều năm và nó càng thôi thúc tôi tích cực tìm kiếm phương thuốc chữa trị”.

Trong thời gian nghiên cứu sách thầy Đỗ Tất Lợi, ông biết thêm nhiều kiến thức, hiểu rằng giữa Đông Y và Tây Y có rất nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, Phương Tây có nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn, nên người ta đã chế biến ra nhiều dạng thuốc uống, thuốc tiêm… khác nhau, sử dụng tiện lợi hơn. “Đọc sách của thầy Lợi, sau này lại trực tiếp được thầy dạy và hướng dẫn nghiên cứu, tôi “bị nhiễm” cả tính đam mê khoa học của thầy – đã làm việc gì phải làm được; đã nghiên cứu cái gì , bao giờ cũng đi đến tận cùng gốc rễ” – ông tâm sự.

Dược sĩ Đào Kim Long xuất thân từ một gia đình có dòng dõi về nghề làm thuốc nhiều đời ở làng Lỗ Xá, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội với tấm bằng đỏ năm 1966, và được giữ lại làm giảng viên nhiều năm ở Bộ môn Thực Vật trường Đại học Dược Hà Nội. Cuối năm 1970, Bộ Y tế cử ông vào khu V (miền Trung Trung Bộ) điều tra cây thuốc ở khu vực này. Năm 1972, Ban Dân y Khu V quyết định thành lập một đoàn điều tra dược liệu trên vùng núi Ngọc Linh và cử ông làm trưởng đoàn với mục đích tìm thuốc tại chỗ để chữa bệnh cho quân, dân phục vụ cuộc kháng chiến. Qua nhiều ngày vượt suối băng rừng tìm kiếm, không giống những người khác cùng đoàn chủ yếu mang theo lương thực, hành trang trên lưng dược sĩ Đào Kim Long là đủ 7 quyển Thực vật chí Đông Dương nặng hơn chục cân. Và gần 400 cây thuốc ở núi Trường Sơn, lần đầu tiên đã được ông tìm ra và ghi chép tỉ mỉ về phân bố, đặc điểm sinh thái. Sau hàng tháng lặn lội nhiều ngày trời trên ngọn núi tổ, cuối cùng ngày mong chờ cũng đến, đó là ngày 19/3/1973, vào lúc 9 giờ sáng, ông và đoàn tìm kiếm dược liệu Việt Nam đã phát hiện ra loại nhân sâm ở núi Ngọc Linh trên độ cao 1.800 mét (phía sườn Tây giáp tỉnh Kon Tum, phía sườn Đông giáp tỉnh Quảng Nam). Đến 17 giờ cùng ngày, khi dừng bên dòng suối thì đoàn đã gặp cả thảm nhân sâm dày đặc, gần như thuần chủng, mọc xanh tốt, nở hoa thơm ngát… Dược sĩ Đào Kim Long xúc động nhớ lại: “Lúc ấy, lương thực mang theo đã gần hết, nhưng chúng tôi vẫn bám trụ ở lại suốt nửa tháng sống bằng rau rừng, nước nhân sâm… để nghiên cứu về đất đai, khí hậu, đặc điểm sinh thái. Khi đó, chúng tôi đã thấy không có bằng chứng sâm Ngọc Linh di cư từ Hoa Nam (Trung Quốc) xuống hay Malaysia, Ấn Độ sang. Đó là cây sâm bản địa của Việt Nam”. Qua quá trình nghiên cứu, sâm Ngọc Linh đã được các nhà khoa học chứng minh có nhiều tính năng y dược thuộc hàng “thần dược” như: chống oxy hóa, chống lão hóa, kích thích hệ miễn dịch, phòng chống một số bệnh về ung thư, tốt cho gan, cải thiện sinh dục. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống oxy hóa. Cây nhân sâm đó sau này được giới khoa học biết đến với tên gọi Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Grushvistky (1985).

“Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”
Sau khi nghiên cứu các loại dược liệu quý trong điều trị, chữa bệnh ung thư , ông tiếp tục dành nhiều công sức, tâm huyết vừa nghiên cứu vừa chữa bệnh bằng y học dân tộc cổ truyền. Gắn bó với nghề, ông luôn lấy lời di huấn của sư tổ Tuệ Tĩnh làm phương châm học tập, nghiên cứu của đời mình:

“Tôi tiên sư kính đạo tiên sư,
Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”

Để tiếp nối sự nghiệp y dược khoa ngàn năm của đất Việt, ông luôn giáo huấn các học trò của mình – đó là các đệ tử Nam Y, rằng: “Một lương y giỏi không chỉ hội tụ đủ phẩm hạnh của người lao động giỏi, người trò giỏi, người thầy giỏi, nhà khoa học chân chính mà còn có phẩm chất của một tướng tài thao lược mà từ ngàn xưa ông cha ta đã suy tôn “lương y như lương tướng”, có tài năng, bản lĩnh và lòng quả cảm xông pha vào nơi hiểm nguy để có thể tranh chấp sống chết với tử thần, tuổi thọ và mệnh số. Coi Nam Y là tiếp thu tinh hoa hiện đại, kế thừa tinh hoa của nền y học Việt Nam”. Vì lẽ đó ông đã sáng lập ra Nam Y Đạo Pháp.

Nam Y là kết quả giao thoa của y khoa Đông – Tây với quốc y Việt Nam, dựa chắc vào các quy luật sinh học, sự thích nghi môi trường của sinh vật và con người để giải độc nội môi, tăng cường khả năng miễn dịch, khả năng loại dị vật, vật thể lạ ra khỏi cơ thể, đồng thời cân bằng lại các rối loạn chuyển hóa… dùng các vị thuốc từ cây cỏ, động vật không có độc hoặc đã loại hết độc và dùng tổ hợp của các tổ hợp biến động để chữa bệnh, đó là Kỳ Môn Y Pháp. Dùng Thần Châm để điều hòa rối loạn năng lượng cục bộ ở các cơ quan, các bộ phận trong toàn cơ thể. Tóm lại, Nam Y đã tiếp thu tinh hoa của cả Đông, Tây y và Quốc y Việt Nam đã pháp triển rực rỡ từ hàng ngàn năm trước để chữa các bệnh hiểm nghèo do rối loạn chuyển hóa protid, glucid, lipid, suy giảm miễn dịch, mất khả năng loại dị vật… nó đã đạt kết quả mà các nền y khoa trước chưa có.

Bằng sự say mê khoa học và không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, ông đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học: Con Cóc Việt Nam, Các cây Kim Ngân miền Bắc Việt Nam, Danh lục cây có Alcaloid ở Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài nhà nước Danh lục các cây thuốc miền Trung Trung Bộ.

Từ năm 1981 đến nay, ông đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu chữa các bệnh chuyển hóa, tất cả các bệnh ung thư bằng phương pháp Nam Y, đã chữa trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong đó có các bệnh rối loạn chuyển hóa cơ bản: tiểu đường, huyết áp, tim mạch, hen phế quản, các bệnh máu… cho nhiều bệnh nhân trong nước và quốc tế.

Ông cũng chính là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và cống hiến cho các thế hệ thầy thuốc Việt Nam noi theo. Trong suốt quá trình nghiên cứu và cống hiến cho nền y học nước nhà, với vị trí là một nhà giáo, một nhà khoa học và là một thầy thuốc, dược sĩ Đào Kim Long vẫn giữ mãi niềm say mê với những cây thuốc quý, không ngừng cống hiến, ngày đêm tìm tòi, phát hiện những phương pháp chữa bệnh mới, mang lại niềm hi vọng sống cho những bệnh nhân ung thư. Như lời ông chia sẻ: “Chúng tôi như những con thuyền nhỏ bị cuốn trôi vào các dòng sông đầy cám dỗ của khoa học và hiến dâng. Suốt cuộc đời, chúng tôi luôn mang theo kiến thức, phương pháp, đam mê, và cả mong muốn những người thầy đã dạy dỗ”.

Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam
Báo Gia đình Việt Nam
Chân dung doanh nghiệp tiêu biểu ngành y tế thời kỳ mới – Bộ Y Tế
Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, 2012

Tags: , ,