Nhân sâm Ngọc Linh
Nhân sâm Ngọc Linh – Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Grushvistky (1985)
Đề tài nghiên cứu phát hiện Nhân sâm tại núi Ngọc Linh là đề tài nhỏ trong công trình nghiên cứu điều tra cây thuốc Trường Sơn – đề tài cấp nhà nước do Ban đại diện Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam chủ trì, Dược sĩ Đào Kim Long là chủ nhiệm đề tài. |
Nhân sâm Ngọc Linh được đoàn điều tra dược liệu Khu V phát hiện lần đầu tiên tại núi Ngọc Linh ở độ cao 1.800 mét vào lúc 9:00 sáng ngày 19 tháng 3 năm 1973. Căn cứ vào các dữ liệu khoa học, nhà thực vật học kiêm dược sĩ Đào Kim Long đã đặt tên là Panax Articulatus Kim Long Dao. Ở thời điểm này, cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam còn đang rất gay go và ác liệt nên cây nhân sâm được giữ “bí mật thời chiến”. Tài liệu chính thức về cây nhân sâm Ngọc Linh đã được gửi ra Vụ I – Bộ Y Tế, tuy nhiên Vụ này đã giải thể sau khi thống nhất đất nước, tài liệu bị thất thoát, chỉ còn một bản tài liệu gốc được lưu giữ đến nay bởi Dược sĩ Trần Lai, lãnh đạo Ban Y Tế Miền Trung Trung Bộ trước đây.
Ảnh: Củ cây lá và chùm quả cây nhân sâm Ngọc Linh hoang dại
Trọng lượng 600gram, tuổi gần 60 năm
Vì lý do trên nên đến năm 1985, cây nhân sâm Ngọc Linh được đặt một tên mới Panax vietnamensis Hà Thị Dung và I. V. Grushvistky. Áp dụng Quy tắc quốc tế về danh pháp thực vật công bố năm 1994 (ICBN – Tokyo code), điều 1, mục 3 phần C, danh pháp khoa học của sâm Ngọc Linh được viết hợp pháp theo luật quốc tế hiện nay là Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Grushvistky (1985).
Từ năm 1973 đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cây nhân sâm Ngọc Linh. Người đầu tiên có bằng Tiến sĩ về cây nhân sâm Ngọc Linh là Nguyễn Thới Nhâm. Sau đó là hàng loạt các công trình tiến sĩ, thạc sĩ (khoảng 50 công trình) ở nhiều viện nghiên cứu hàn lâm khoa học khắp nơi trên thế giới đã chứng minh nhân sâm Ngọc Linh là vị thuốc đặc biệt quý, đứng trên cả Nhân sâm Triều Tiên, Nhân sâm Trung Quốc và Nhân sâm Mỹ.
Bảng 1: So sánh thu suất toàn phần hàm lượng Saponin (%)
Loại Aglycom | Nhân sâm Triều Tiên | Nhân sâm Trung Quốc | Nhân sâm Tây Dương – Mỹ | Nhân sâm Ngọc Linh |
---|---|---|---|---|
20(S) PPD | 2,9 | 2,1 | 2,7 | 3,1 |
20 (S) PPT | 0,6 | 2,4 | 1,2 | 2,0 |
Ocotilol | 0,00 | 0,00 | 0,004 | 5,6 |
Aleanolic axít | 0,02 | 0,00 | 0,07 | 0,09 |
Thu suất toàn phần (%) | 3,5 | 4,5 | 4,0 | 10,8 |
Qua bảng so sánh trên đây, ta thấy Nhân sâm Ngọc Linh có hàm lượng thu suất toàn phần cao hơn gấp ba lần nhân sâm Triều Tiên, hơn hai lần nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Mỹ.
Vì cơ cấu hóa học đặc biệt của nhân sâm Ngọc Linh nên tác dụng chữa bệnh rất đa dạng.
Bảng 2: Tác dụng dược lý của nhân sâm Ngọc Linh
STT | Tác dụng dược lý | Chủ trị |
---|---|---|
1 | Tăng thể lực, chống nhược sức | Suy nhược cơ thể |
2 | Kích thích các hoạt động não bộ | Suy nhược tinh thần |
3 | Tác dụng kiểu nội tiết tố sinh dục | Suy nhược sinh dục |
4 | Tăng tạo hồng cầu, tiểu cầu | Chữa thiếu máu, suy tiểu cầu |
5 | Đặc hiều với vi khuẩn Streptococi | Chữa viêm họng hạt |
6 | Antistress giải lo âu và chống trầm cảm | Các bệnh lý gây ra bởi stress |
7 | Tăng cường chức năng gan và bảo vệ tế bào gan | Chống xơ gan và giải độc gan |
8 | Giảm cholesterol huyết, giảm lipit, tăng HDL | Xơ vữa động mạch |
9 | Giảm đường huyết hiệp lực với thuốc hạ đường huyết | Bệnh tiểu đường |
10 | Điều hòa hoạt động tim mạch | Loạn nhịp tim và hạ huyết áp |
11 | Chống ôxy hóa (Antioxidant) | Chống lão hóa |
12 | Phòng chống các loại ung thư | Hỗ trợ thuốc chữa ung thư |
13 | Gia tăng sức đề kháng không đặc hiệu | Suy giảm miễn dịch |
Ngoài những tác dụng trên do các cơ sở khoa học tín nhiệm đã nghiên cứu và tổng kết, nhân sâm Ngọc Linh còn có những đặc tính ưu việt mà các loại nhân sâm khác không có được đó là nó không có độc tính khi sử dụng liên tục dài ngày, có thể dùng chữa bệnh cho trẻ sơ sinh đến người già với liều dùng từ 50mg đến 200mg cho 1kg thể trọng, nghĩa là người cân nặng 50kg có thể dùng 10gr một ngày. Nếu dùng 20gr một ngày có tác gây ngủ. Nếu dùng với liều 30gr đến 40gr thì có tác dụng như một thuốc giảm đau rất kỳ diệu. Trong vòng hơn 30 năm theo dõi lâm sàng đối với những bệnh nhân K giai đoạn cuối, nếu dùng 30gr-40gr ngày không còn thấy đau đớn.
Ảnh: Củ nhân sâm Ngọc Linh trên 50 năm tuổi |
Ảnh: Củ nhân sâm Ngọc Linh lâu năm |
Những nghiên cứu về dược lý lâm sàng của nhân sâm Ngọc Linh được thực hiện tại những đơn vị dưới đây:
– Viện nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi, Giáo sư Phạm Khuê và cộng sự.
– Quân y viện 175 Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Đỗ Đình Luận và cộng sự.
– Viện điều dưỡng TP Hồ Chí Minh.
Chương trình theo dõi trên các bệnh nhân tình nguyện do bộ phận Dược lý Trung tâm Sâm Việt Nam thực hiện 1982 – 1986 đã kết luận:
– Bệnh nhân cảm thấy ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn, tăng thể trọng, tăng thị lực, trí lực và thể lực được cải thiện tốt.
– Giảm mệt mỏi, chống nhược sức do lao động liên tục kéo dài.
– Gia tăng sức đề kháng của cơ thể trong các bệnh nhiễm trùng, khi phối hợp với các loại kháng sinh thông dụng.
– Cải thiện các chỉ số sinh hóa của cơ thể như: tăng dung tích sống, tăng chỉ số Tiffeneau, giảm cholesterol huyết. Tăng tỷ số A/G, tăng số lượng hồng cầu hemogolobin và hematocrit.
– Cải thiện suy nhược thần kinh, suy nhược sinh dục.
– Tăng huyết áp cho người suy nhược, huyết áp thấp.
– Nâng cao thể trọng giúp hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật dạ dày.
– Tác dụng giảm chữa và giảm đau khi viêm họng, giúp bệnh nhân dễ thở và ho có đờm trong các bệnh lý về phổi và phế quản. Ngăn chặn các cơn hen tái phát.
– Hiệp lực với thuốc điều trị tiểu đường.
Đã 37 năm liên tục theo dõi nghiên cứu tổng kết và ứng dụng nhân sâm Ngọc Linh vào điều trị bệnh, chúng tôi thấy hiếm có vị thuốc nào trên thế giới có được tác dụng đa dạng trong phòng bệnh và chữa bệnh, hỗ trợ sức khỏe như nhân sâm Ngọc Linh, nhất là dùng trong các trường hợp bệnh nhân bị ung thư, bị các bệnh về máu, bị suy thận, viêm cầu thận mãn, bệnh co thắt phế quản, viêm họng và họng hạt…
Ngày nay, nhân sâm Ngọc Linh đang được bảo tồn và phát triển ở vùng núi Ngọc Linh. Nhân dân cư trú trên núi Ngọc Linh đã quen với việc trồng bán tự nhiên, thu hái tự nhiên và kiêm việc bảo tồn nhân sâm Ngọc Linh tự nhiên. Có gia đình đã có hàng chục nghìn cây nhân sâm trồng bán tự nhiên trên các độ cao trên 2000m so với mặt biển.
Ảnh: Cây nhân sâm Ngọc Linh hoang dại
Người ta đã nghiên cứu việc đưa cây nhân sâm Ngọc Linh về Đà Lạt, về Sapa nhưng sản phẩm cây mọc ở đây hầu như không còn đủ hoạt chất chữa bệnh. Việc di thực nhân sâm Ngọc Linh đến các vùng núi lân cận có thấy cây mọc bình thường nhưng sau 2 năm theo dõi thì hầu hết không đủ hoạt chất so với mẫu đối chứng. Vì vậy nơi cung cấp sâm hoang dại chủ yếu hiện nay vẫn là ở núi Ngọc Linh.
Gần đây, do nhân sâm Ngọc Linh có uy tín cao trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nên nhiều người đã tìm cách giả mạo. Họ mang sâm giả mạo nhân sâm Ngọc Linh đến bán ở ngay vùng quê của Ngọc Linh nên khá nhiều người bị nhầm lẫn. Nguồn gốc của nhân sâm giả này đã được báo chí đưa tin, nhưng hàng ngày thì việc giả mạo vẫn cứ diễn ra càng ngày càng tinh vi và phức tạp.
Hà Nội, 5/2010.
Nam Y Đạo Pháp biên tập có sử dụng các tài liệu của đồng nghiệp: TS. Nguyễn Thị Thu Hương, TS. Đặng Ngọc Phái, TS. Lê Đình Bích, TS. Nguyễn Minh Đức, TS. Nguyễn Thới Nhâm.