Đông y
Nền y học dân gian, gia truyền, kinh nghiệm cộng với tổng kết lâm sàng chưa thể nói đó là Đông y. Bởi vì y học phương Đông dựa trên nền tảng của một vũ trụ quan triết học, mô phỏng quy luật vận động của vật chất. Đó là quy luật sinh ra, lớn lên, biến hóa và tàn lụi.
Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu hóa, Đông tàn hàng ngàn năm liên tiếp dịch lý ấy được 5 tác giả lớn kế tiếp nhau biên tập, bổ xung đến hoàn chỉnh gọi là Ngũ Thánh tiên sư. Đó là: Phục Hy (2953-2858 tr.CN), Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử và Vũ Đế.
Kinh dịch ta biết hiện nay là Chu dịch (đời Chu từ 1150 đến 249 tr.CN). Chu dịch lấy quẻ bát thuần càn, tượng trưng hình trời là quẻ đầu của 64 quẻ dịch. Nội dung dịch lý ấy có thể tóm tắt như sau:
- Vô cực sinh thái cực (chưa phân âm dương)
- Thái cực sinh lưỡng nghi (âm – dương)
- Lưỡng nghi sinh tứ tượng (thái âm thiếu dương và thái dương thiếu âm)
- Tứ tượng sinh bát quái (càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn)
- Bát quái chuyển động tạo ra 64 trùng quái và biến hóa vô cùng vô tận
Quy luật vận động trên đây thâu tóm mọi hình thức tồn tại vô hình và hữu hình, vô hạn và hữu hạn của vật chất, khi có động thì có biến, biến sinh hoặc biến sát. Biến sinh chưa chắc đã tốt, biến sát chưa chắc đã xấu.
Càn khôn nắm giữ quyền sinh sát (càn khôn là biểu tượng của trời – quẻ càn và đất – quẻ khôn), thuận theo đạo trời thì sống, nghịch với đạo trời thì chết.
Thế kỷ XVII với các cuộc giao thương Âu – Á, kinh dịch đã hấp dẫn các nhà văn hóa nổi tiếng phương Tây như James Legge (Anh), Rhichard Wilhelm (Đức).
Đến nay kinh dịch, một quyển sách cổ của Trung Hoa, là trụ cột trong biện chứng luận trị của y học phương Đông, là tài sản văn hóa của toàn nhân loại mà giá trị của nó chưa được khám phá hết.
Ở các nước phương Tây, kinh dịch được gọi với tên là “Sách biến dịch” (The Book of changes). Quách Mạt Nhược, nhà văn lớn của Trung Hoa đã từng nói: “Chu dịch là một cung điện thần bí”. Mãi đến thế kỷ XX hiện đại, cung điện này vẫn phát tán ra những ánh hào quang thần bí. Phạm vi ứng dụng của Chu dịch rất rộng trong các ngành nông nghiệp, thiên văn địa lý, số học, hóa học, quân sự, ngoại giao, nhân thể học, y học, sinh học, dự đoán học, chọn giống, di truyền, khí công, sử học, truyền tin…
Dựa chắc vào trụ cột là dịch học nhiều ngàn năm, các tác giả, tác phẩm xây dựng nền y khoa phương Đông có thể dẫn đến như:
- “Nội Kinh” do Hoàng Đế và Kỳ Bá biên soạn năm 2750 tr.CN, gồm 18 quyển, trong đó có 9 quyển chân kinh và 9 quyển tố vấn. Đó là sách nói về đạo của sự sống và nói cái cốt lõi của thần linh (lời bình của Trương Cảnh Nhạc, đời Minh, Trung Quốc).
- Biển Thước (thế kỷ V tr.CN) viết Nạn Kinh, có 81 nạn nói về chẩn đoán, điều trị, bệnh lý, giải phẫu, đặc biệt là mạch pháp. Tới nay, thiên hạ vẫn cho rằng phép bắt mạch chẩn bệnh đầu tiên là của Biển Thước.
- Trọng Cảnh quê ở Nam Dương (thế kỷ II tr.CN) ở thời Đông Hán, ông đã viết “Thương hàn luận” và “Kim quỹ yếu lược” tổng kết toàn bộ các chứng ngoại cảm và điều trị tạp bệnh.
- Tôn Tử Mao (581–682 sau CN) là y gia nổi tiếng đời Đường có tác phẩm “Thiên kim cương”. Ông cho rằng sinh mệnh con người còn quý hơn cả ngàn vàng.
- Vương Đào (đời Đường, Trung Quốc) với tác phẩm “Ngoại đài bí yếu”.
- Tứ đại y gia (thế kỷ XIII – XIV đời Kim Nguyên, Trung Quốc) gồm các tác giả: Trương Tử Hòa, Lưu Hà Gian, Chu Đan Khê, Lý Đông Viên. Đáng chú ý là quan điểm “trọng tỳ vị” của Lý Đông Viên và học thuyết “Âm thường bất túc, Dương thường dưỡng dư” của Chu Đan Khê.
Đời Minh (Trung Quốc) các y gia nổi tiếng rất nhiều. Trương Trường Sa đã nghiên cứu nhiều tác phẩm, tác giả cổ thấy nhiều chỗ hoang đường không tin được. Trương Thạch Ngoan với tác phẩm “Trương Thị Y Tông”, “Thương hàn quản luận”, “Thương hàn chủ luận”. Triệu Hiên Khả với tác phẩm “Kinh lạc khảo chính”, “Mạch luận”. Lý Thời Chân với bản thảo cương mục “Tần hồ mạch học” (Tần Hồ là tên hiệu của Lý Thời Chân).
Đời Minh còn có nhiều y gia nổi tiếng khác như Tiết Lập Trai với tác phẩm “Tiết thi án”. Lý Sĩ Tài với tác phẩm “Nội kinh chỉ yếu”, “Y tông tất độc”, “Thương hàn quát yếu”. Trương Cảnh Nhạc với tác phẩm “Cảnh nhạc toàn thư”, “Ôn phương bát luận”.
Như vậy tương đương với nhà Trần của ta ở Việt Nam là triều Nguyên và Triều Minh ở Trung Quốc. Tác phẩm, tác giả về y khoa rất phong phú và đa dạng.
Đồng hành với Trung y, có các nước trong cộng đồng phương Đông như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam.
Tại Việt Nam có hai tác giả lớn đã có trước tác đóng góp vào kho tàng y khoa phương Đông là Đại danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác.
1. Tuệ Tĩnh
Với hai pho sách thuốc là “Hồng nghĩa giác tư y thư” và “Nam dược thần hiệu”.
Tuệ Tĩnh tức Nguyễn Bá Tĩnh, sinh ở Nghĩa Phú, Cẩm Giàng, Hải Dương. Theo những tư liệu của phả ký, văn bia và truyền thuyết thì ông sinh vào năm 1330, đỗ Hoàng Giáp năm 1351 và đời Trần Dụ Tông (1341 – 1357).
Thời kỳ này tình hình triều chính rối loạn, Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” xin chém 7 gian thần không được vua nghe đã cáo quan về ẩn tại núi Phượng Hoàng chữa bệnh.
Nguyễn Bá Tĩnh đã cáo quan về đi tu và chữa bệnh. Ông là thầy thuốc nổi tiếng nên đã bị xung vào đoàn sứ sang tiến cống nhà Minh. Ông đã chữa bệnh trong nội cung và cho nhiều quan lại nhà Minh, được vua Minh phong chức Thái y Thiền sư. Truyền thuyết cho rằng ông mất vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, năm Canh Thìn (1400) thọ 71 tuổi và được vua Minh cho lập miếu thờ ở Tây Bạch Hồ trong Tử Cấm Thành. Có một nhà quan danh gia vọng tộc triều Minh, vì chịu ơn chữa bệnh đã lập đền thờ ở Hồ Nam, là đền thờ được quay về hướng Nam quy mô lớn hơn cả. Nguyễn Danh Nho là Tiến sĩ người cùng làng Nghĩa Phú, năm 1690 đời Lê Huy Tông (1676 – 1705) đi sứ Trung Quốc đã đến đền thờ này đọc được trên tấm bia trước của đền lời nói trăng trối lại: “Ai về Nam cho hài cốt tôi về với”. Nguyễn Danh Nho đã phỏng theo bia này khắc một bia khác và đem về thờ ở đền Bia, đến nay vẫn còn có nhiều huyền thoại về tấm bia này.
Ở Việt Nam, Tuệ Tĩnh được thờ ở nhiều nơi, cổ nhất là ở đền An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng, có sắc phong thần năm 1572, thần tích do Đông các Học sĩ Nguyễn Bính ở Viện cơ mật triều Lê soạn năm Hồng Phúc thư nhất 1572.
Tại quê ông, làng Nghĩa Phú, Cẩm Giàng, Hải Dương có đền thờ ông bên cạnh đình làng với hai câu đối ca ngợi sự nghiệp khoa bảng và y học của ông là:
- Danh khôi nhị giáp tiêu Trần giám.
Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y.
- Đoạt giáp văn chương danh lưỡng quốc.
Hoạt nhân đức trạch phổ thiên thu.
Nguyễn Danh Nho đi sứ về năm 1690 đã đem đến đây một sập đá, hiện nay vẫn còn để trước cửa đền.
Còn ba đền thờ nữa thờ Tuệ Tĩnh là đền Trung ở chân đê làng Văn Thai, và chùa Giám, là ngôi chùa Tuệ Tĩnh đi tu từ nhỏ. Đáng kể nhất là đền Bia (giữa Văn Thai và Nghĩa Phú) tương truyền Nguyễn Danh Nho sao chiếc bia đá theo mẫu ở đền Hồ Nam đi thuyền về đến đó thì thuyền bị đắm. Nhân dân lập đền thờ ngay chỗ thuyền bị đắm gọi là đền Bia. Hiện nay đền Bia đã được trùng tu sửa sang to đẹp, uy nghi nhất trong những nơi đang thờ Tuệ Tĩnh. Hàng năm cứ đến ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch, nhân dân quanh vùng lại mở lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thái y Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Sự kiện ngày 22 tháng 7 năm 1992, một đoàn cán bộ gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử: Đỗ Tất Lợi, Hà Văn Tấn, Tống Trung Tín, Vũ Thế Long, Đoàn Đức Thành và Đinh Khắc Thuần đến chùa Giám đọc trên cây hương đá ở cửa chùa, (người lập bia này là Như Ứng) nói về công đức của nghiêm sư là: “Hội chủ sa môn Chân An giác tính Tuệ Tịnh Thiền sư”. Các học giả này đã nhầm nhà sư Chân An là Tuệ Tĩnh. Sau cuộc hội thảo toàn quốc về lịch sử Tuệ Tĩnh do Viện IAM tổ chức ngày 4 tháng 9 năm 2001 thì quan điểm trên đây bị nhiều học giả viết bài bác bỏ. Vậy chỉ có một Tuệ Tĩnh sống ở thế kỷ XIV mà thôi. Tác phẩm của ông mãi đến năm 1717 mới được in là do lý do lịch sử.
2. Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác
Với tác phẩm Y tôn Tâm lĩnh, có thể nói bộ sách của Lê Tiên Sinh là bản tổng kết Trung y, vận dụng Trung y để chữa bệnh ở Việt Nam. Đây là một chiếc cầu lớn nối y học cổ Trung Hoa và Y học Việt Nam.
Với bộ óc thông minh mẫn tiệp mà Lê Tiên Sinh đã phân tích cả phải trái với các vị tiên thánh của Trung y như Vương Tiết Tề, Chu Đan Khê…
Khác với ông cử họ Trần, bạn của Lê Hữu Trác coi nghề thuốc là một nhân thuật tầm thường, còn Lê Tiên Sinh coi đạo làm thầy thuốc cũng giống như đạo trị nước của quan tể tướng, phải quán được đạo Tam tài, điều nhiếp được âm dương.
Lê Tiên Sinh đã biết bệnh mang tính địa lý và thời đại trong câu nói: “Người ta khác với người phương Bắc, người bây giờ khác với người thời cổ…”
Bộ sách “Y tôn tâm lĩnh” được viết từ cuối thời Lê đến thời Tự Đức (1848 – 1883), Võ Xuân Hiên mới khắc bản gỗ ở chùa Đại Tráng, Từ Sơn, Bắc Ninh gần 100 năm sau mới được in thành sách. Đến đời vua Khải Định triều Nguyễn (1916 – 1925) đã sắc phong cho Lê Tiên Sinh là “Việt Nam Y Thánh”.
Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là người xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên ngày nay, (tức thôn Văn, xã Lưu Xá, Huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương trước đây). Ông xuất thân từ gia đình danh gia thế phiệt, nhiều người đỗ đạt cao nhưng ông thì chưa có danh phận khoa bảng. Ông theo binh nghiệp đến năm 30 tuổi thì về quê ngoại Hương Sơn, Hà Tĩnh tự tìm sách nghiên cứu để làm nghề thuốc. Trên không có thầy giỏi, dưới không có bạn hiền giúp đỡ, tự học, tự nghiên cứu để thành thầy thuốc nổi danh. Đó là một sự kiện thứ nhất trong lịch sử y học Việt Nam.
Thứ hai, Lê Tiên Sinh đã biên dịch sách, thâu tóm Trung y, vận dụng sáng tạo vào địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam và vận dụng tính thời đại của bệnh tật để chữa bệnh một cách sáng tạo, điều mà các quan Thái y triều Lê mũ cao, áo dài, có văn bằng, chức tước, xênh xang cờ biển, lương cao bổng hậu lại không ai làm được.
Điều lạ thứ ba là bộ “Y tôn tâm lĩnh” được in khi mà ở các nước xung quanh việt Nam như: Nhật Bản, Trung Quốc, Đông y đang bị loại ra khỏi y khoa chính thống, Đông y bị phỉ báng và bôi nhọ.
Điều lạ thứ tư là vào những năm Khải Định làm vua (1916 – 1925), Nhật Bản cấm Đông y vào tháng 2 năm 1895, Trung Hoa Dân quốc bắt đầu có động tác loại Đông y khỏi y tế Trung Quốc (1912 – 1929) với chủ trương cải cách táo bạo và quyết liệt của Dư Văn Tụ để loại bỏ Đông y. Các chuyển động của các nước xung quanh, vua Khải Định đã không biết.
Những điều lạ trên dẫn tới bộ Y tôn tâm lĩnh trước tác muộn mằn nhất của y học phương Đông đã cùng tác giả nổi danh và chiếm vòng nguyệt quế.
Trong quyển “Các triều đại Việt Nam” của Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng viết về vua Khải Định như sau: “Đây là một ông vua bù nhìn mạt hạng”. Chắc ông vua này có nhiều điều xấu xa với dân với nước, tuy vậy việc phong Thánh y cho Lê Tiên Sinh thì chắc là sáng suốt.
Hiện nay đền thờ Lê Hữu Trác được xây dựng ở quê ông Lưu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên để nhân dân ngày ngày đến hương khói thờ phụng. Đền thờ lúc đầu được xây dựng như một nhà lưu niệm nhỏ vào cuối thế kỷ XX. Đến đầu thế kỷ XXI thì được xây dựng quy mô như đền đài hiện nay.
Điểm lại các tác phẩm tác giả đại diện riêng ở Trung Hoa và Việt Nam, Đông y suốt gần 50 thế kỷ (chưa kể các nước có văn hóa lâu dời khác ở phương Đông như Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc…), đó đã là một lâu đài kỳ vĩ, lung linh toàn châu ngọc. Trong đó thật nhiều kho báu có thể khai thác.
Nhận thức của cả một quốc hội toàn những bộ đầu thông thái như ở Nhật Bản đã ra quyết định cấm Đông y (1895). Nhận thức của nhiều học giả quan chức cao cấp của một chính đảng như Uông Đại Nhiếp – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Hoa dân quốc, cả một hội đồng y học trung ương quốc dân đảng đã thông qua đề án của Dư Văn Tụ phế bỏ Đông y, nhằm “loại bỏ trở ngại trong sự nghiệp phát triển y học”.
Những bài học đắt giá ấy là gương để mọi người soi chung khi động tới sự an huy của lâu đài cổ kính này.
Tags: Đông y