Tây y
Các dân tộc phương Tây cũng như các dân tộc khác ở phương Đông, từ nền y khoa dân gian, dân tộc tản mạn dần dần được tập hợp lại bằng những bộ óc thông thái.
Tây Y từng coi Hippocrates (460 – 370 tr.CN) là ông tổ. Hippocrates là người gốc Hy Lạp ở đảo Cos vùng biển Egee. Truyền thuyết cho rằng Hippocrates là con một người làm thuốc, được cha truyền cho những kiến thức về y rồi tiếp tục học ở Athenes và tiếp đó đi du học ở nhiều nơi, đến Tharace, Thessalie, Macedoine. Ở đảo Cos, ông hành nghề y và trở nên nổi tiếng ở đó. Ông là người sáng lập ra trường phái y khoa gọi là “Trường phái Cos”. Ông đã tách rời y học ra khỏi tôn giáo, xây dựng y học trên cở sở vật chất, dựa vào quan sát lâm sàng sắc sảo với các dấu hiệu về triệu chứng bệnh để chữa trị.
Hippocrates mở ra một kỷ nguyên mới cho y học cổ Hy Lạp, đó là kỷ nguyên của thầy thuốc lâm sàng. Theo dõi bệnh tật như một hiện tượng tự nhiên, chủ yếu là nâng cao sức đề kháng vốn có của cơ thể. Ông đề cao nguyên tắc không chỉ điều trị bệnh mà còn phải điều trị người bệnh.
Hippocrates coi thiên nhiên là người thầy vĩ đại nhất, còn thầy thuốc chỉ là kẻ nô bộc. Ông còn nổi danh với đaoh đức y gia với lời thề mà nhiều thế hệ y sinh tốt nghiệp y khoa phải tuyên thề danh dự. Lời thề đó như sau:
“Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
- Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
- Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
- Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai.
- Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.
- Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật mở bàng quang mà dành công việc đó cho những người chuyên.
- Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
- Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
- Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.”
Lời thề trên đây ngày nay có thể không còn được tuyên đọc ở các kỳ lễ của các y sinh tốt nghiệp các trường thuốc vì có nhiều điều không còn thích hợp ở thời hiện đại, nhưng đó đúng là đạo đức cảo cả, mẫu mực cho các thầy thuốc thời cổ đại, nay vẫn còn đáng để cho các y gia hiện đại suy ngẫm.
Y học Hippocrates tương đồng với nhiều quan điểm của y học phương Đông. Nhưng đến thế kỷ XVI, châu Âu bước vào gia đoạn Phục Hưng, khoa học, kỹ thuật và các phát minh sáng chế phát triển, y học lâm sàng Hippocrates đã tạm dừng bước. Y học phương Tây bám sát các thành tựu khoa học kỹ thuật để phát triển. Bốn thế kỷ XVII, XVIII, XIX, XX, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, tất cả các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học… đều được ứng dụng. Y học lâm sàng Hippocrates chuyển thành nền khoa học thực nghiệm.
Y học phương Tây tiến từ y học lâm sàng đến y học phân tử, bán phân tử, gốc tự do… ứng dụng công nghệ Gene, giải mã Gene, nhân bản để ứng dụng vào cấy ghép phủ tạng. Về chiều rộng, y học phương Tây tiến vào nghiên cứu y học vũ trụ, y học môi trường. Về chiều sâu, đi vào y học hạt nhân, kỹ thuật Nano, và y học lượng tử…
Chẩn đoán bệnh từ chỗ chỉ nhìn, sờ, gõ, nghe chuyển sang xét nghiệm: máu, nước tiểu, sinh hóa, vi trùng, virut, ký sinh trùng… xét nghiệm tế bào, xét nghiệm gene di truyền… Chẩn đoán bệnh nhờ kỹ thuật hình ảnh: điện quang, siêu âm, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ…
Khối lượng kiến thức y khoa hiện nay thật khổng lồ cho nên các y sinh với chương trình đào tạo 6-7 năm không thể nào học hết, vì vậy các chuyên khoa hình thành ngày càng nhiều.
Vấn đề nghiên cứu thuốc cũng thay đổi cơ bản. Từ chỗ chỉ dựa vào cảm giác như nếm, nhấm, ngửi, đến chỗ dựa vào đặc tính phân loại họ, giống loài… của cây cỏ hay động vật với các hoạt chất hóa học chứa trong đó để chữa bệnh.
Các chất được chiết tách ra khỏi dược liệu lám tinh khiết, cô đặc, thử tác dụng dược lý, tính liều chữa bệnh, liều độc, liều chết… Thuốc đưa ra sử dụng với tác dụng dược lý ổn định, thành phần hóa học, tính chất vật lý tiêu chuẩn, sau đó được thử thăm dò ở động vật đến người theo một liệu trình bắt buộc khắt khe và tốn kém để đảm bảo tính khoa học, chính xác và an toàn.
Ngoài thuốc từ dược liệu thiên nhiên, thuốc còn được tổng hợp từ ngành hóa dược, hoặc dược bán tổng hợp. Nói chung hàng năm dược điển các nước càng dày thêm và danh mục biệt dược cũng ngày càng nhiều. Thầy thuốc nếu không bám sát thị trường thuốc trong một thời gian ngắn một hai năm thôi thì đã thấy lạ lẫm nhiều rồi.
Thuốc chuyên khoa cũng ngày một nhiều. Bác sĩ chuyên khoa này có thể không hiểu thuốc ở chuyên khoa khác. Cách dùng thuốc cũng rất đa dạng từ bôi, xông, xoa, nhỏ mũi, nhỏ mắt… đến uống, tiêm bắp, tiêm mạch máu, truyền tĩnh mạch, chạy điện đi qua da…
Với khoa học thực nghiệm rõ ràng, chính xác, tiện lợi, mau lẹ, hiệu quả, Tây Y đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí độc tôn trên toàn thế giới.
Thế kỷ XIX, Tây y theo nền kinh tế hàng hóa đến giữ vị trí chủ đạo ở hầu hết các nước quan trọng ở châu Á.
Ở Việt Nam thế kỷ XIX, Pháp ra lệnh cấm, Đông y chỉ còn hoạt động lén lút ở các vùng thôn quê.
Nhật Bản, tháng 2 năm 1895 quốc hội đã thông qua một sắc lệnh về quy chế hành nghề y dược gọi là “Y sư chấp chiếu quy tắc tu cải pháp án”, các hoạt động khám chữa bệnh Đông y và đông dược đều bị cấm chỉ. Như vậy, nước Nhật nhằm duy tân đã tự ra lệnh cấm Đông y.
Trung Quốc là thủy tổ của các sư phụ Đông y lỗi lạc, nơi tập trung rất nhiều các tác giả và tác phẩm về chữa bệnh suốt gần 50 thế kỷ, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn.
Năm 1897, nho sĩ Du Việt ở Triết Giang (Trung Quốc) đưa ra luận thuyết “Phế y luận” hàm ý rằng cần phế bỏ Đông y, không dùng đông dược. Triều Thanh cũng đã cấm một số y thuật như châm cứu trong Thái y viện. Đến khi nhà Thanh sụp đổ, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã chống Đông y một cách quyết liệt. Bắt đầu từ Uông Đại Nhiếp (Bộ trưởng Bộ giáo dục); ông ta tuyên bố: “Từ nay về sau tôi quyết tâm phế bỏ Đông y, không dùng đông dược…” (tháng 9 năm 1912). Đấy mới là đường lối diệt Đông y trong giáo dục. Đến năm 1929, chính quyền Quốc dân đảng mở rộng các hoạt động tiêu diệt Đông y. Hội đồng y học trung ương đã thông qua đề án của Dư Văn Tụ có tên là: “Đề án phế bỏ y học cũ, nhằm loại bỏ trở ngại trong sự nghiệp phát triển y học”, với đề án này, sau 15 năm Đông y Trung Quốc sẽ bị tiêu diệt.
Như vậy, tại quê hương của nền Đông y phát triển rực rỡ ngàn năm đã tiếp thu Tây y một cách vội vã… điều đó nói lên rằng Tây y về thực tiễn chữa bệnh dựa trên nền tảng khoa học thực nghiệm đã thực sự thuyết phục các nhà trí thức, nhà quản lý lớn của Trung Quốc thời đó.
Ba quốc gia phương Đông có nền Đông y đặc biệt phát triển đều đã tự cấm hoặc bị cấm hoạt động Đông y, đông dược. Điều đó nói lên rằng Tây y thực sự có sức mạnh.
Tags: Tây Y